Trẻ bị co giật, có nên đút ngón tay, nhét thìa, khăn vào mồm để tránh bị cắn vào lưỡi?

05-08-2019 15:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chiến sỹ cơ động "nén" đau nhét ngón tay vào mồm cháu bé bị sốt co giật được cộng đồng bày tỏ sự xúc động về hành động đẹp của chiến sĩ cảnh sát cơ động.

Bức ảnh được cư dân mạng chia sẻ trên được cho là tại sân vận động Thiên Trường, Nam Định. Trong khi trận bóng đang diễn ra thì có một cổ động viên nhí có dấu hiệu bị co giật. Lúc này lực lượng CSCĐ có mặt kịp thời đưa cháu đi cấp cứu. Trong phút giây nguy kịch ấy, một đồng chí CS cơ động đã dùng tay chịu đau để ngăn bé cắn lưới. Với những biểu cảm trên khuôn mặt của đồng chí cảnh sát này ai cũng có thể nhận ra sự đau đớn như thế nào. Bức ảnh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, cảm phục và  phải khẳng định đây là hành động rất đẹp, đáng hoan nghênh... Dù vậy, dưới góc độ y học thì lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo quan niệm dân gian khi trẻ bị co giật thì nhét thìa,hay khăn thậm chí cả ngón tay vào miệng để đề phòng trẻ cắn vào lưỡi, tuy nhiên theo các bác sĩ việc làm này có thể sẽ gây nguy hiểm cho trẻ vì có thể làm tắc đường thở của trẻ.

Cơn co giật toàn thể (grand-mal seizures) là một tình trạng co giật cơ tần suất cao và kéo dài. Khi co giật như vậy, người bệnh thường mất tri giác, ngừng hô hấp (các cơ hô hấp co giật liên tục hay co cứng nên phổi không giãn nở được), tăng tiết đàm nhớt đường hô hấp và không nuốt được gây sùi bọt mép, mắt trợn, tím tái. Co giật như vậy cũng hay gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tới 5 tuổi bị co giật do sốt cao lành tính, thường kéo dài dưới 5 phút, không để di chứng. Tuy nhiên nếu không xử trí đúng, có thể gây các biến chứng không nên có.

Sơ cứu khi trẻ bị co giật

LÀM GÌ KHI MỘT NGƯỜI BỊ CO GIẬT

- Bình tĩnh, chừa một không gian đủ lớn cho người co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người đang co giật. Người đang co giật mất tri giác, có thể gây tổn thương tới người xung quanh.

- Bảo đảm môi trường an toàn cho người co giật ĐƯỢC CO GIẬT TRONG AN TOÀN. Tránh xa vùng có nước, điện, thuỷ tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương.

- Kê vật mềm dưới đầu người co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật.

- Nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở.

- KHÔNG CẦN đưa bất cứ vật gì vào miệng, không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổ, suy hô hấp.

- Ghi lại thời gian co giật nếu có thể.

-Nhẹ nhàng xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình. Khi trẻ con sặc sữa cũng nằm nghiêng là vì lý do này.

- KHÔNG ĐÈ CHẶT BỆNH NHÂN, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật, tôi đã gặp người nhà cố sống cố chết đè người co giật làm bị té và chấn thương đầu.

- Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng bỏ người ta một mình mà phải theo dõi xem đã hồi phục tri giác chưa, có yếu cơ hay liệt không, không cho ăn uống gì cho tới khi chắc chắn đã hồi phục. Giải thích cho người bị co giật chuyện gì đã xảy ra.

NÊN GỌI CẤP CỨU KHI

- Co giật lần đầu tiên.
- Co giật hơn 5 phút
- Co giật hơn 1 lần, đợt này tiếp ngay sau đợt khác
- Người co giật không tỉnh lại sau khi co giật đã chấm dứt
- Nạn nhân bị chấn thương khi đang co giật.

NGƯỜI BỊ CO GIẬT CÓ CẮN LƯỠI HAY KHÔNG?

Có  gặp nhưng rất ít và thường là nhẹ, không gây tác hại gì. Một khảo sát trên 106 trẻ bị co giật thì có 8 trẻ cắn lưỡi, tất cả là vùng viền hai bên lưỡi.

Tại sao vậy?

Khi co giật không có ai thè lưỡi ra cả, mà thường thụt nhẹ vào. Thè lưỡi là hành động có ý thức, đang co giật hàm cắn chặt trợn trắng cả ra làm sao mà thè lưỡi. Có lỡ cắn phải cũng chỉ là vùng viền hai bên lưỡi thôi, giống như nhai vội tự cắn lưỡi mình thôi, chả sao cả.

Có một chi tiết rất thú vị trong khảo sát này là cắn lưỡi là một yếu tố phân biệt quan trọng giữa co giật và ngất (syncope), hễ có cắn lưỡi vùng viền hai bên luỡi gần như chắc chắn là co giật.

Co giật cũng không làm tuột lưỡi gây nghẹt thở như lời đồn. Cố gắng chèn vật hay ngón tay vào giữa hàm răng người đang co giật là vô bổ vì không có tác dụng gì, mà sẽ gây chấn thương rách niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít sặc vào phổi, chấn thương ngón tay, tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua lại giữa người bị co giật và người cấp cứu.

Trên đây là nguyên tắc cốt lõi để sơ cứu những người đang co giật là giúp đỡ người đó được co giật trong an toàn.


Bs. Trương Hùng (từ Mỹ)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn