Nguyễn Thùy Liên (Hải Dương)
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tổ chức não chưa hoàn thiện nên dễ bị kích thích khi sốt gây co giật. Với trẻ đã từng co giật khi sốt, cần dự phòng co giật. Khi trẻ sốt, cần chườm ấm vùng trán, nách và bẹn cho trẻ (giặt khăn với nước ấm, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 1-2 độ). Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, nới lỏng quần áo. Cho trẻ uống nhiều nước. Dùng thuốc hạ sốt ngay từ khi trẻ sốt 38 độ (theo đơn của bác sĩ). Tất cả các ngày trẻ sốt đều phải dùng thuốc chống co giật (theo đơn của bác sĩ). Nếu trẻ bị co giật tại nhà, có thể xử trí như sau: Đặt trẻ nằm trên giường. Lau, hút đờm dãi và đặt trẻ nằm nghiêng để tránh đờm dãi vào đường thở. Đặt khăn mềm sạch giữa hai hàm răng của trẻ. Không cho trẻ ăn, uống kể cả uống thuốc khi đang co giật. Không ôm chặt trẻ khi đang co giật vì không làm ngừng được cơn co giật mà có thể làm trẻ khó thở, gãy xương... Ghi nhớ thời gian, đặc điểm của cơn co giật để miêu tả cho bác sĩ khi đi khám. Cặp nhiệt độ cho trẻ và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (uống khi trẻ tỉnh hoặc đặt hậu môn nếu trẻ chưa tỉnh). Chườm khăn ấm cho trẻ. Nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút hoặc kèm theo khó thở tím tái, hoặc có nhiều cơn giật liên tiếp, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đối với trẻ từng co giật khi sốt, quan trọng nhất là uống thuốc hạ sốt và thuốc chống co giật và đưa trẻ đến bác sĩ khám để được dùng thuốc đúng theo cân nặng, thể trạng. Khi đi khám, nhớ mang theo đơn thuốc cũ và nói với bác sĩ về tiền sử co giật của trẻ.