Sinh viên phải đối mặt với nhiều áp lực trong khi còn thiếu kỹ năng
"Em cảm ơn cô đã dành nhiều thời gian nghe những tâm sự của em, và những chia sẻ của cô đã giúp em nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp hơn trong sự việc gần đây", hoặc "Em cảm ơn cô đã lắng nghe em chia sẻ, vượt qua giai đoạn này, em sẽ cố gắng để trở thành người lắng nghe và chia sẻ như Trạm"… là hai trong nhiều phản hồi tích cực mà các "thân chủ" để lại tại Trạm sạc Tâm hồn sau ca tham vấn. Có thể nói, đó là nguồn năng lượng duy nhất tiếp thêm động lực cho các thầy cô, tất cả đều là cán bộ kiêm nhiệm đang làm việc tại Trạm.
Chia sẻ về Trạm sạc Tâm hồn, TS.BS. Phan Thị Minh Ngọc - Phó trưởng phòng Công tác học viên sinh viên và Quản lý ký túc xá, Tổ trưởng Trạm sạc Tâm hồn - Trung tâm Thông tin và Tư vấn sinh viên, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, cuộc sống hiện đại vốn nhiều áp lực tác động lên tất cả mọi người, nhưng kỹ năng của mỗi người rất khác nhau cho nên không phải ai cũng tự mình vượt qua được. Điều đó càng đáng chú ý ở nhóm sinh viên Y, khi phần lớn các em chỉ biết lo đèn sách để thực hiện giấc mơ Y khoa, đỗ vào đại học rồi, các em "đột ngột" buộc phải lớn lên trong một thế giới rộng mở.
Thêm vào đó, thế giới ảo vốn nhiều hấp dẫn, là một nơi nhiều người trẻ tuổi cảm thấy an toàn để trú ẩn nhưng khi cần lại không có một ai. Vì vậy, áp lực dần dần tích tụ lên một bộ phận giới trẻ: áp lực học tập, áp lực gia đình hay thậm chí là chính áp lực bản thân.
Sinh viên ngành Y có khối lượng kiến thức rất lớn cùng lịch trực, lịch thi dày đặc, học tập trong môi trường phải đối mặt với ốm đau, thậm chí sinh tử cũng khiến sinh viên nhiều trăn trở hơn so với ngành nghề khác. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ căng thẳng ở sinh viên Y trên thế giới khá cao, từ 45 - 63%, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cũng không ngoại lệ.
"Từ đề xuất của Phòng Công tác học viên sinh viên và Quản lý ký túc xá và sự ủng hộ của Ban Giám hiệu, Trạm sạc Tâm hồn Trường Đại học Y Hà Nội chính thức được thành lập từ tháng 10 năm 2022 với phương châm "Lắng nghe, chia sẻ, đồng hành - sinh ra vì các bạn, từ nay luôn bên bạn".
Những nickname "cục sạc Ngọt Ngào", "cục sạc Phơi Phới", "cục sạc Trăng Tròn"… là biệt danh của thầy cô trong Trạm sạc Tâm hồn tự đặt cho mình dựa theo phụ âm của tên thật, sao cho sinh viên cảm thấy thú vị và gần gũi.
Các "cục sạc" tại Trạm là những thầy cô vốn rất nhiệt tình với sinh viên, được đào tạo để có kỹ năng khai thác thông tin, lắng nghe không phán xét, thấu cảm, tham vấn dựa trên điểm mạnh và đồng hành với sinh viên, không chỉ chuyện trường lớp mà còn chuyện tình cảm, gia đình, xã hội đều có thể tỏ bày cặn kẽ.
Chỗ dựa tinh thần cho sinh viên để cân bằng cảm xúc trong học tập và cuộc sống
TS.BS Phan Thị Minh Ngọc cho biết, đội ngũ của Trạm gồm 19 cán bộ kiêm nhiệm được chia làm ba tuyến: tuyến 1 là các thầy cô chủ nhiệm khối thực hiện công tác phát hiện và hỗ trợ ban đầu, tuyến 2 là tư vấn, tham vấn tâm lý và hỗ trợ pháp lý, tuyến 3 là bác sĩ tâm thần.
Ngoài ra, Trạm còn xây dựng đội ngũ sinh viên cộng tác viên nhằm làm công tác truyền thông, phát hiện và đồng hành với những ca cần hỗ trợ sau tham vấn. Phát huy nguồn lực sẵn có, tạo ra sự phối hợp giữa các tuyến để chuyển tuyến phù hợp là một ưu điểm nổi trội của công tác hỗ trợ tâm lý cho sinh viên trong môi trường đào tạo Y khoa.
Theo TS.BS Phan Thị Minh Ngọc, tính đến nay, sau hai năm hoạt động, Trạm đã tư vấn, tham vấn cho 76 sinh viên. Những vấn đề thường gặp nhất tại Trạm liên quan đến động lực học tập, lựa chọn ngành nghề, sự cô đơn, mất kết nối trong thế giới thực.
Đặc biệt, Trạm tiếp nhận cả những câu chuyện liên quan đến giới, sự tự nhận biết bản dạng giới, sự phát triển của các xu hướng tính dục và bình đẳng giới. Đã có những sinh viên phải dừng học vì gặp bệnh lý tâm thần cần điều trị chuyên khoa. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tưởng như phải nghỉ học nhưng đã vượt qua để tiếp tục theo học, tốt nghiệp, trở thành bác sĩ nội trú và đạt được nhiều thành công.
Bên cạnh các hoạt động tư vấn, tham vấn cá nhân, Trạm đã tổ chức các hoạt động tham vấn nhóm để sinh viên có không gian chia sẻ và đồng cảm. Trạm cũng tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm và lớp học kỹ năng sống, giúp tăng cường khả năng đối phó với căng thẳng và phát triển lối sống lành mạnh. Các hoạt động này chính là các công cụ giúp sinh viên chủ động phòng ngừa và tự vượt qua được những khó khăn của bản thân.
Mọi người thường nghĩ những "thân chủ" của Trạm có lẽ sẽ học tập không tốt, tuy nhiên trong thực tế, đã có những sinh viên cực kỳ sáng láng tìm đến Trạm, đơn giản chỉ là để được gạt bỏ mọi áp lực đến từ kỳ vọng của mọi người, được khóc thoải mái, được cân bằng và trở lại là chính mình. "Thứ chúng tôi tiêu hao nhiều nhất thời gian qua chính là khăn giấy" - cô Ngọc nói vui - "Một căn phòng mà bước vào với âu lo, trải lòng trong nước mắt và bước ra với biết bao ấm áp trong lòng".
Cô Ngọc cho biết, thời gian tới, Trạm sạc Tâm hồn sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ, tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ sinh viên, mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần, là chỗ dựa để các bạn sinh viên cân bằng cảm xúc trong học tập và cuộc sống.