Ngày 6/3, theo thông tin chúng tôi có được, tại TPHCM đã có báo cáo về "ổ dịch" thuỷ đậu (trái dạ) thứ 2 tại một trường tiểu học thuộc địa bàn quận 5.
Các bệnh viện tại TPHCM đang "căng mình" chống dịch
Theo đó, đến ngày 3/3, đã có thêm 11 học sinh tại trường tiểu học Hàm Tử được xác định mắc bệnh thuỷ đậu. Trước đó, vào cuối tháng 2, TPHCM đã ghi nhận chùm ca bệnh đầu tiên tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 với 10 ca mắc bệnh.
Để tránh lây lan bệnh ra diện rộng, 2 trường học này đã cho các học sinh bị bệnh đã được nghỉ học, cách ly, điều trị tại nhà cho đến khi hết hẳn bệnh mới đi học trở lại. Cơ quan y tế tại địa phương cũng đã đến trường thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh, khử khuẩn và hướng dẫn nhà trường khử khuẩn lớp học hằng ngày, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh và phụ huynh cách phòng bệnh.
Tạm thời, dịch thuỷ đậu tại 2 trường đã được khống chế khi không có thêm ca bệnh mới. Các chuyên gia y tế dự báo, nếu không làm tốt công tác phòng dịch, sẽ có nhiều "ổ dịch" khác xuất hiện và khả năng dịch sẽ lây lan trên diện rộng.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong hai tháng đầu năm 2014, số ca bệnh thủy đậu tại TP HCM vẫn tiếp tục tăng cao. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã ghi nhận 131 trường hợp mắc thủy đậu, tăng gần 157% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý là tại các cơ sở y tế, vắc- xin ngừa thủy đậu đã hết trong nhiều tháng qua và hiện vẫn chưa biết khi nào có lại.
Trong khi đó, báo cáo của ngành y tế thành phố cũng cho biết, nhiều dịch bệnh khác cũng đang gia tăng theo chu kỳ và cả "trái mùa". BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho biết, các ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng cao. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có gần 250 ca, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 242 ca; tay chân miệng 895 ca (tăng 184 ca so với cùng kỳ 2013); quai bị 39 ca (tăng 11 ca); cúm A là 79 ca (tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ 2013).
Đặc biệt, dù đang ở thời điểm mùa khô nhưng số ca sốt xuất huyết tại TP HCM cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 500 ca với tổng số 1631 ca sốt xuất huyết. Trong đó có 1 trường hợp tử vong đầu tiên ở người lớn ( nữ bệnh nhân 22 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ tại P.4, Q.8, TP.HCM, nhập viện vào 13g ngày 22-2 trong tình trạng lơ mơ, tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Chẩn đoán sau cùng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ghi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng sốc kéo dài, suy đa tạng, xuất huyết não).
Song song với việc phải tập trung nhân lực, vật lực phòng chống nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 và H7N9 thì diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh trên đang đặt hệ thống y tế TPHCM vào tình trạng "quá tải" khi mà công tác tiêm ngừa, hướng dẫn phòng bệnh, báo cáo dịch, dập ổ dịch và tuân thủ điều trị... hiện còn nhiều bất cập và chưa phát huy hiệu quả cao nhất.
Tin ảnh: Tuân Nguyễn