Con tôi 6 tuổi. Mới đây tôi thấy cháu mọc những bọng nước tròn nhỏ ở hai cánh tay và cẳng chân. Chị hàng xóm cũng có con nhỏ nói rằng cháu bị thủy đậu. Xin quý báo tư vấn về bệnh thủy đậu, cách phòng bệnh và điều trị?
Trần Lệ Thủy (Bắc Giang)
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virut Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên thường phát triển thành dịch. Quan trọng nhất trong chăm sóc và điều trị thủy đậu là làm sạch da và vệ sinh thân thể: tắm rửa bằng các dung dịch sát trùng, thay quần áo nhiều lần trong ngày, cắt ngắn và vệ sinh móng tay, tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ. Chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ có biểu hiện bội nhiễm.
Điều trị triệu chứng: Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt ở những bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Thuốc có thể dùng là các thuốc kháng histamin như: chlopheniramin, loratadine..., ngoài ra dùng các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước và xanh methylen cũng có hiệu quả rõ rệt. Xanh methylen là loại thuốc sát khuẩn nhẹ có dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất...). Nếu cháu nhà chị bị đau và sốt cao có thể cho dùng paracetamol, không sử dụng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye.
Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virut: Thủy đậu là một bệnh lành tính, thuốc kháng virut chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng, phòng biến chứng viêm phổi thủy đậu, biến chứng nội tạng hoặc các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, phụ nữ có thai, người mới ghép tạng, người sử dụng corticoid dài ngày. Tuy nhiên, do bệnh thường gặp nặng ở đối tượng trẻ vị thành niên và người lớn nên có thể cân nhắc sử dụng thuốc cho các đối tượng này. Trường hợp cháu nhà chị không thuộc các đối tượng nêu trên nên chị cho cháu đi khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nghỉ ngơi tại nhà, không cho tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây nhiễm.
BS. Đỗ Thị Lệ Quyên