"Chê" dịch vụ ở bệnh viện Trung ương để quảng cáo thực phẩm chức năng?

25-11-2021 09:59 | Nhãn hàng sai phạm

SKĐS - Với mô típ kịch bản bệnh nhân đi khám ở bệnh viện lớn, uống thuốc bác sĩ kê không khỏi, nhưng sau khi dùng TPBVSK (hay thực phẩm chức năng) lại có tác dụng. Cùng với đó là công dụng của hàng loạt sản phẩm dù chỉ là TPBVSK nhưng được quảng cáo như "thần dược" hơn cả thuốc chữa bệnh.

So sánh chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện lớn để quảng cáo sản phẩm?

Theo tìm hiểu của PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), Công ty TNHH Thương mại Botania (Công ty Botania), địa chỉ 204H Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội là đơn vị phân phối các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Bonidetox, BoniGout, Boni Vein, Boni Happy …trên website botania.com.vn. Đây là những sản phẩm khá quen thuộc với người tiêu dùng khi liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình tại các khung giờ vàng quảng cáo.

Không chỉ đẩy mạnh quảng cáo truyền hình, các sản phẩm này hiện được quảng cáo "tràn lan" trên các nền tảng khác như facebook, youtube hay các website. Điều đáng nói là nhiều quảng cáo cho những sản phẩm này đưa ra thông tin không đúng theo giấy phép được cấp.

Đơn cử, trên kênh Youtube Sức khỏe là vàng được liên kết trực tiếp với website botania.com.vn (website thuộc sở hữu của Công ty Botania) xuất hiện dày đặc các video câu chuyện của bệnh nhân để quảng cáo. Qua những câu chuyện này, công dụng của những sản phẩm dù chỉ là TPBVSK nhưng được nhắc đến như "thần dược" có thể giảm nguy cơ ung thư, chống viêm, chống oxy hóa, chống lão hóa, làm sạch phổi…

TPCN của Công ty Botania - Ảnh 1.

Hàng loạt video chia sẻ bệnh nhân được đăng tải trên kênh youtube sức khỏe là vàng.

Ngoài ra, để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng, các sản phẩm này còn gắn vào hình ảnh dịch vụ của nhiều bệnh viện lớn đặc biệt là các bệnh viện Trung ương để so sánh và quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Mô típ chung của nhưng video này là bệnh nhân mắc bệnh đã đến bệnh viện thăm khám, điều trị, uống thuốc theo đơn của bác sĩ kê nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tuy nhiên, sau khi sử dụng sản phẩm của Công ty Botania thì chỉ sau vài tuần triệu chứng đã giảm hẳn.

"Lúc đó cũng hoang mang không biết mình bị làm sao nên chú sắp xếp lên hẳn bệnh viện TW Quân đội 108 ở Hà Nội để khám, họ cho xét nghiệm máu thì chỉ số acid uric là 534 µmol/l, chú mới ngỡ ngàng, hóa ra mình bị bệnh gút từ bao giờ chứ nào có phải bị khớp gì đâu… Nhất là cứ uống thuốc của bệnh viện vào chú lại bị tiêu chảy, nhưng tiêu chảy thì vẫn phải uống vì bệnh mình nó đau như thế rồi, chịu sao nổi. Uống tới 3 ngày thì chú mới hết đau được nhưng khoảng 4,5 ngày sau nó lại lên một cơn như thế, đau dồn dập, 1 tháng tính ra cũng phải 3, 4 cơn. Vậy mà dùng BoniGut được 1 tháng, chú không thấy một cơn đau nào nữa, trước 1 tháng cứ phải 3-4 cơn, lúc đó chú mừng lắm rồi và giảm liều dùng của BoniGut+ xuống chỉ còn dùng với liều 4 viên...", chia sẻ của một người bệnh được chia sẻ trên kênh Youtube Sức khỏe là vàng.

TPCN của Công ty Botania - Ảnh 2.

Mô típ chung là những bệnh nhân này tới bệnh viện thăm khám, uống thuốc bệnh tình không thuyên giảm, nhưng sau khi uống TPBVSK của Công ty Botania chỉ sau thời gian ngắn các triệu chứng đã giảm hẳn.

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm khác

Không chỉ gắn với hình ảnh bệnh viện lớn để quảng cáo sản phẩm, nhiều nhãn hiệu TPBVSK do Botania phân phối còn có dấu hiệu vi phạm các hành vi cấm theo quy định Thông tư 08/2013/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành như: Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Trên kênh Youtube Sức khỏe là vàng hoặc dưới những bài viết quảng cáo sản phẩm, hàng trăm thông tin về các bệnh nhân được đăng tải với những nội dung như: Sau 2 tháng dùng BoniDetox các triệu chứng đờm, ho, khó thở không còn nữa, người khỏe hẳn hết mệt mỏi hay Nhờ có BoniGut+ tôi được thấy mình như sống lại một lần nữa. Từ khi dùng BoniGut+ tôi thấy mình khỏe khoắn hơn hẳn, cũng chưa gặp bất kỳ cơn đau gút cấp nào quay lại

TPCN của Công ty Botania - Ảnh 3.

Chia sẻ PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay về sản phẩm BoniDetox.

Ngoài ra, trên trang web tinhhoathaoduoc.net còn đăng tải bài viết về sản phẩm BoniDetox dưới dạng chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM với nội dung: "Hiện nay trên thị trường có sản phẩm BoniDetox kết hợp với tất cả các loại thảo dược trên, mang đến hiệu quả đột phá cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính".  Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay không còn giữ chức vụ trên mà chỉ là cố vấn chuyên môn tại khoa Y học Cổ truyền.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) từng khẳng định: "Đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Cục ATTP từng nhiều lần có công văn gửi giám đốc, trưởng đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo TPBVSK để chấn chỉnh, quản lý cán bộ".

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm TPBVSK chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều vi phạm quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Thương mại Botania (Công ty Botania), có địa chỉ 204H Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội do Dược sĩ Phạm Thanh Thủy làm Giám đốc.

Đây là đơn vị phân phối hàng loạt sản phẩm được giới thiệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ như: BoniDiabiet, BoniHappy, BoniSleep, BoniGut, BoniKiddy, BoniBeauty,…

Là đơn vị chịu trách nhiệm công bố, phân phối và quảng cáo những TPBVSK nêu trên nhưng khi phóng viên liên hệ làm việc, Giám đốc Truyền thông Công ty Botania một mực cho rằng công ty "không liên quan" và chỉ sở hữu website botania.com.vn. Tuy nhiên khi được phóng viên hỏi về kênh youtube Sức khỏe là vàng được liên kết trực tiếp đến website trên thì bà Thanh cho biết sẽ kiểm tra lại

"Công ty chỉ sở hữu website botania.com.vn, những phản ánh của báo Sức khỏe & Đời sống Công ty sẽ kiểm tra lại", Giám đốc Truyền thông công ty Botania trả lời.

Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn