Theo từ điển Bách khoa mở (Wikipedia), Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cũng năm này Thái Hằng (chị gái Thái Thanh) cưới nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1951 gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo. Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn. 9 năm sau, Thái Thanh và Lê Quỳnh chia tay sau khi đã có chung với nhau ba con gái và hai con trai. Bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ định cư. Tại Hoa Kỳ, bà tiếp tục trình diễn và thu âm cho đến khi nói lời giải nghệ vào năm 2002.
Nữ danh ca bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với các nghệ danh Băng Thanh, Thái Thanh. Bà sở hữu một giọng hát cũng như lối hát đặc biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của chầu văn, quan họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật được bà tự rèn luyện, học tập từ thuở nhỏ. Do lúc đó Việt Nam chưa có trường âm nhạc, bà tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp từ Pháp. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú. Về sau Thái Thanh đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam, ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ của thế hệ sau như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết...
Thái Thanh và Ý Lan hát Nụ Tầm Xuân, Bài ca sao của nhạc sĩ Phạm Duy
Giọng ca Thái Thanh được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn cũng cho rằng, trường hợp của Thái Thanh là một "trường hợp hãn hữu", và "Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh”. Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng cho một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian.
Thái Thanh và con gái Ý Lan trên sân khấu
Từ khoảng cuối thập niên 1950 đến 1975, Thái Thanh thu âm rất nhiều trên đĩa than 78 vòng, đĩa nhựa 45 vòng, băng reel của các hãng đĩa Việt Nam, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Cỏ May, Continental, Premier, Diễm Ca, Song Ngọc, Nhật Trường, Trường Hải, Nghệ thuật - Tâm Anh, Nhã Ca, Thương Ca, Trần Ngọc Đức, Bảo Thu, Thùy Dương, Hoàng Trọng, Siêu Âm, Mây Hồng. Sản phẩm âm nhạc cuối cùng của Thái Thanh có tên gọi “Dòng thời gian - Thái Thanh và 3 thế hệ”, phát hành năm 2004.
Liên khúc Phạm Duy do Thái Thanh và Phạm Duy thể hiện
Trước sự ra đi của danh ca Thái Thanh, nhiều nghệ sĩ trong nước và hải ngoại đã bày tỏ sự tiếc thương lẫn đau buồn. Ca sĩ Dương Triệu Vũ bùi ngùi: “Một tượng đài của âm nhạc Việt Nam đã nằm xuống. Mong cô được yên nghỉ và sống mãi trong lòng người hâm mộ. Con vẫn thường xuyên nghe những ca khúc của cô”. Trong khi đó, diễn viên Hồng Ánh viết trên trang cá nhân: “Vẫn biết là quy luật thế nhưng vẫn thấy nặng lòng khi chia tay một biểu tượng về sự chuẩn mực trong ca từ, một cốt cách của một danh ca tài hoa. Tiếc vì chưa nhìn thấy ở thế hệ sau một sự kế thừa”.