Đó là vài nét chấm phá về nhạc sĩ, NSƯT Xuân Ba - nguyên nhạc công tại Đoàn Ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long). Năm nay đã bước vào tuổi 80, trong đó có 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã góp phần không nhỏ trong việc đưa âm nhạc dân tộc, nhất là đàn bầu và đàn nguyệt đến gần hơn với công chúng.
Tôi và nhạc sĩ Xuân Ba sống, làm việc ở khá gần nhau, nhưng trao đổi qua điện thoại nhiều lần ông vẫn không sắp xếp được một cuộc gặp. Bởi lịch biểu diễn của ông hiện nay rất dày đặc, mà chỗ nào ông cũng nể, cũng không thể vắng mặt được. Có hôm điện cho ông thì ông bảo, cứ giờ nào cũng được nhưng phải trừ buổi trưa và buổi tối, bởi thời gian đó khi thực khách bên những mâm tiệc sang trọng, thì tiếng đàn của Xuân Ba lại vang lên đến nao lòng người.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Ba say sưa bên cây đàn.
Thế rồi, tôi cũng hẹn được ông trong một không gian và thời gian vô cùng đặc biệt khi ông vừa kết thúc buổi biểu diễn cho một doanh nghiệp. Đó là một quán bia ven đường tàu Lê Duẩn vào lúc gần 22h đêm. Sau tất bật, ngược xuôi của công việc, ngồi đối diện với tôi, nhạc sĩ Xuân Ba khá trẻ trung so với tuổi của mình. Ông bảo, về hưu mấy chục năm rồi nhưng ngồi yên một chỗ thì không chịu được. Phải đi, phải biểu diễn thì mới khỏe và có đồng ra, đồng vào. Tất nhiên, tôi hiểu ông không đặt nặng vấn đề kinh tế lên hàng đầu, bởi ở cái tuổi của ông, tiền lương cũng dư dả rồi con cái đã thành đạt, cuộc sống cũng không có gì là khó khăn nữa.
Vui vẻ, tươi cười và sung sức là thế vậy nhưng ở cái tuổi 80, Xuân Ba cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh “tuổi già” đeo đẳng. Ông kể vài năm ông bị gút, tăng huyết áp, rồi hay ù tai, chóng mặt. Thậm chí có lần đang đi biểu diễn, huyết áp tăng cao khiến ông ngã ra đường. Thế rồi, nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và đặc biệt luôn giữ được tâm hồn thoải mái, lạc quan, bệnh tình của ông từng bước được đẩy lùi. Vẫn trên chiếc xe máy cũ kĩ chở cô diễn viên cùng nhóm phóng 40km/h, giờ đây, ông vẫn đi biểu diễn khắp Hà thành, rồi sang cả các địa phương lân cận.
Chia sẻ về bí quyết giữ sức khỏe tốt như hiện nay, ông cho biết: “Mình cứ miệt mài lao động nghệ thuật, hăng say với những buổi đi diễn. Còn những hôm không đi diễn, ở nhà, mình vẫn thu đĩa, thu đài và giới thiệu tác phẩm. Điều quan trọng là đừng bao giờ nghĩ là mình có bệnh. Con người không thể tránh được quy luật của tự nhiên. Một cỗ máy hoạt động lâu ngày còn bị trục trặc và cần được bảo dưỡng, huống chi là con người. Nhưng hơn hết là chúng ta phải tự tin, điềm tĩnh đón nhận nó và không để nó chi phối đến tinh thần của mình”.
Nhắc đến Xuân Ba, hẳn nhiều người đã không còn xa lạ với tác phẩm độc tấu cho đàn nguyệt “Tình quân dân” được ông sáng tác khi đang học năm thứ 3 (năm 1962) tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tác phẩm đã đem lại cho ông Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1970. Tác phẩm mang một dấu ấn lịch sử và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Xuân Ba khi đã khắc họa được rõ nét tình cảm gắn bó yêu thương của những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương lớn với các chiến sĩ ngoài tiền truyến. Bản nhạc có giá trị không chỉ ở giai điệu mà còn ở sự tìm tòi thể hiện sáng tạo trên cây đàn nguyệt. Ông đã đưa ngôn ngữ âm nhạc hiện đại vào cây đàn nguyệt, khai thác triệt để cách lên dây quãng bảy thứ (gọi là dây tố lan) nhờ đó mà kĩ thuật cũng như nghệ thuật diễn tấu được nâng lên một bước quan trọng.
Đã gần 60 năm kể từ ngày tác phẩm đầu tay “Tình quân dân” ra đời, thế nhưng nó vẫn được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Xuân Ba. Nó như một “tờ giấy thông hành” để cậu sinh viên ở làng quê Kinh Bắc thênh thang, tự tin bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp bằng chính đôi chân của mình. Nhớ lại thời điểm viết tác phẩm ấy, nhạc sĩ Xuân Ba cho biết những hình ảnh bộ đội về làng, dân làng nô nức, hồ hởi ra đón, lòng người hân hoan, tiếng hát tiếng cười rộn ràng khắp làng quê. Bộ đội về làng làm khung cảnh làng quê thay đổi: Bầy chim bay lượn chào đón các anh, cánh đồng lúa tỏa hương thơm, trẻ em trong làng tíu tít kéo nhau đi theo anh bộ đội, các cô thôn nữ ngỡ ngàng vui mừng, người già hoan hỉ. Bộ đội về làng gặt lúa, sửa nhà và gánh nước giúp dân, tình yêu bất chợt nảy nở giữa cô gái làng với anh bộ đội... Như vậy có thể nói, chính quê hương Kinh Bắc đã nuôi dưỡng, thôi thúc, giục giã và tạo nguồn cảm hứng âm nhạc mãnh liệt để ông có thể viết được tác phẩm để đời này.
Có một điều vinh dự với “Tình quân dân”, đó là tác phẩm đã cùng với một số sáng tác nổi tiếng của các nhạc sĩ trong nước được một đoàn nghệ thuật gồm 40 nghệ sĩ do nhà thơ Cù Huy Cận làm trưởng đoàn đã mang đến Pháp biểu diễn vào năm 1969 - một thời điểm nhạy cảm của chính trị trong nước. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng của quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh con người, đất nước, văn hóa Việt Nam cũng như khẳng định về một đất nước yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Ba (trái) với nhà báo, nhà văn Xuân Ba.
Nhạc sĩ Xuân Ba cũng còn được biết đến là người đã biểu diễn rất thành công tác phẩm đàn bầu “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”. Đó là bản nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã chuyển thể lại và phát triển tiết tấu thành bản nhạc hoàn chỉnh cho đàn bầu từ bài hát rất nổi tiếng của mình để Xuân Ba đem đi biểu diễn cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Bản nhạc đã thể hiện tinh thần gắn bó không thể tách rời của 3 miền Bắc - Trung - Nam tạo lên một sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vô cùng to lớn. Và đó cũng là tác phẩm đem đến cho ông tấm Huy chương Vàng thứ hai tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1970. Giờ đây mỗi khi nghe đài, bản nhạc ấy vang lên thì trong lòng ông dâng trào niềm cảm xúc tự hào và ông cảm thấy mình đã được hòa mình vào thắng lợi chung của dân tộc.
Gần 40 năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, ông đã cùng các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào, khán giả Thủ đô và nhiều vùng quê từ khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Những buổi biểu diễn dưới làn mưa bom bão của kẻ thù khi sự sống với cái chết chỉ còn là ranh giới quá đỗi mong manh nhưng Xuân Ba cùng các nghệ sĩ vẫn hết lòng, nhiệt huyết, say sưa với công việc. Chính tiếng hát, tiếng đàn trong chiến trường đã là “liều thuốc tinh thần” quý giá để những người lính an lòng, cầm chắc cây súng bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn coi đó là niềm vinh dự, là sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho một nghệ sĩ biểu diễn. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông lại cùng các nhóm nghệ thuật nước nhà đến nhiều nước trên thế giới để giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét độc đáo, đặc sắc của âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Với mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, ông đã có một sáng tác đầy triết lý sâu sắc, mang tên “Trăng Tây Hồ”. Bài hát mang âm hưởng ca trù dịu dàng, thủ thỉ với những địa danh gắn bó với Thủ đô như: Đường Cổ ngư, Quảng Bá... và sự tích Trâu vàng, mang đến cho người nghe cảm giác như đang đứng bên Hồ Tây, nghe tiếng sóng lao xao giữa bảng lảng sương sớm. Đoạn hai của ca khúc là sự khắc khoải của nỗi nhớ vầng trăng trên sóng nước Tây Hồ, “vầng trăng trong tim” mỗi kẻ sĩ Bắc Hà với những tình cảm mãi mênh mông cùng sóng nước. Đó cũng là lý do mà ông đã thành lập ban nhạc lấy tên của ca khúc này đình đám một thời.
Khi tôi đang gõ những dòng cuối này, thì bất chợt nhận được cuộc điện thoại của nhạc sĩ Xuân Ba, ông lại say sưa kể về những chuyến đi mà mình đã và sắp đi trong hành trình rong ruổi đem âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng. Ở tuổi 80 nhưng người nghệ sĩ vẫn rất sung sức, bận rộn với những chuyến đi và dự định biểu diễn, sáng tác. Chính sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống đã giúp ông đẩy lùi được bệnh tật và có cường độ làm việc cùng sự sáng tạo không ngừng như vậy.