Thuốc chữa nấc

03-11-2018 08:56 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nấc là động tác hít vào một cách vô thức do kích thích các đầu dây thần kinh giao cảm và phế vị dẫn đến co đồng thời cơ hoành và các cơ liên sườn hít vào. Không khí “ùa” nhanh vào phổi gây phản xạ đóng thanh môn và tạo ra tiếng “hic”.

Nấc là động tác hít vào một cách vô thức do kích thích các đầu dây thần kinh giao cảm và phế vị dẫn đến co đồng thời cơ hoành và các cơ liên sườn hít vào. Không khí “ùa” nhanh vào phổi gây phản xạ đóng thanh môn và tạo ra tiếng “hic”.

Nấc thường lặp lại nhiều lần liên tiếp với tần xuất khoảng 4 - 60 lần mỗi phút và thường không có quy luật. Nếu hiện tượng nấc chỉ sau vài phút hoặc vài tiếng mà hết thì không cần điều trị. Nhưng nếu nấc kéo dài mà không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và phiền toái cho người bệnh.


Nhiều loại thuốc có thể giúp giảm triệu chứng nấc theo những cơ chế khác nhau. Baclofen, một chất có cấu trúc giống GABA có tác dụng hoạt hóa một chất dẫn truyền thần kinh ức chế, từ đó ngăn chặn được các kích thích nấc. Tác dụng phụ của thuốc là có thể gây ngầy ngật, buồn ngủ, mất ngủ, yếu cơ, lú lẫn...; Các loại thuốc liệt thần như chlorpromazine, promethazine, prochloperazine và haloperidol đều có tác dụng giảm nấc. Tác dụng phụ thường gặp nhất của các thuốc này là gây ngầy ngật, buồn ngủ, khô miệng và dấu hiệu ngoại tháp... Do nhiều tác dụng phụ nên hiện nay nhóm thuốc này ít được sử dụng trong điều trị giảm nấc. Metoclopramide, một thuốc thường dùng để chống nôn cũng có tác dụng giảm nấc thông qua việc làm giảm cường độ co bóp của thực quản.

Các thuốc ức chế bơm proton (như omeprazole) có thể giảm triệu chứng nấc thông qua việc giảm tiết dịch vị và giảm tình trạng đầy trướng hơi của dạ dày. Nifedipine, thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi thường dùng với mục đích hạ huyết áp cũng có thể giúp giảm nấc thông qua việc đảo ngược quá trình khử cực bất thường trong cung phản xạ nấc. Trong khi đó, sertraline tác dụng chống nấc gây giảm các nhu động bất thường ở thực quản, dạ dày và cơ hoành hoặc gây ức chế cung phản xạ nấc. Nhiều loại thuốc khác cũng có tác dụng hỗ trợ trong việc giảm nấc, trường hợp nấc dai dẳng không đáp ứng với một loại thuốc thì cần phối hợp đồng thời nhiều thuốc.


ThS. Nguyễn Thu Hiền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn