Hà Nội

Các thuốc điều trị nấc cụt

22-11-2016 08:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nấc cụt gây ra cảm giác khó chịu và hầu hết mọi người đều đã từng mắc phải! Cơn nấc cụt bình thường chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Nấc cụt gây ra cảm giác khó chịu và hầu hết mọi người đều đã từng mắc phải! Cơn nấc cụt bình thường chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Khi cơn nấc cụt kéo dài trên 48 giờ thường là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó gây ra.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nấc cụt là một dạng rối loạn rất thường gặp vì hầu hết mọi người đều đã từng mắc phải, do sự co thắt đột ngột, không chủ động của cơ hoành. Cơ hoành là một cơ dẹt rộng, hình vòm, ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng, có vai trò quan trọng trong hô hấp. Khi cơ hoành co thắt sẽ khiến dây thanh âm đóng lại đột ngột và tạo ra âm thanh rất đặc trưng của nấc cụt.

nấc cụt

Nguyên nhân:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nấc cụt:

- Ăn uống quá nhiều hay ăn quá nhanh, quá cay.

- Uống nước nóng hoặc nước uống có ga.

- Uống rượu, hút thuốc nhiều.

- Ảnh hưởng bởi cảm xúc: sợ hãi, căng thẳng hay phấn khích…

- Bệnh lý: một số bệnh lý như: đái tháo đường, bướu cổ, viêm màng não, ung thư… cũng gây ra nấc cụt.

- Thuốc: một số loại thuốc (gây mê, an thần, kháng viêm corticosteroid…) gây ra tác dụng phụ nấc cụt.

Triệu chứng:

- Xảy ra đột ngột, không báo trước và có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào.

- Nấc cụt kéo dài từng chuỗi liên tiếp nhau và tạo ra âm thanh đặc trưng.

- Mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ…

Thuốc điều trị nấc cụt

Đối với cơn nấc cụt bình thường chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ, không cần thiết phải điều trị bằng thuốc. Một số loại thuốc sau đây thường được sử dụng trong điều trị cơn nấc cụt kéo dài trên 48 giờ:

Chlorpromazin: thuốc chống loạn thần thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tâm thần (rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt…). Chlorpromazin có tác dụng an thần và làm thư giãn cơ hoành nên được sử dụng trong điều trị nấc cụt.

Cần lưu ý: thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt, khô miệng…

Metoclopramid là thuốc có tác dụng an thần, đối kháng dopamin thường được sử dụng trong điều trị chống nôn ói. Metoclopropamid có tác dụng chống co thắt cơ hoành nên được sử dụng trong điều trị nấc cụt.

Cần lưu ý: thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, hạ huyết áp…

Baclofen: thuốc giãn cơ, có cấu trúc hóa học tương tự GABA (axít gamma aminobutyric), nên có tác dụng tương tự như GABA trong vai trò điều hòa sự hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Cần lưu ý: thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mất ngủ…

Các thuốc trên đây là những thuốc kê đơn, người bị nấc cụt không được tự ý sử dụng. Để hạn chế các tác dụng phụ, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc.

nấc cụtUống từng ngụm nước nhỏ

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, có thể áp dụng các phương  pháp điều trị nấc cụt không dùng thuốc như:

- Giữ hơi thở: hít sâu vào rồi từ từ thở ra.

- Hít thở trong một túi giấy.

- Uống từng ngụm nước nhỏ.

- Súc miệng bằng nước đá.

- Kéo căng lưỡi trong một thời gian ngắn.

- Ngậm một ít đường dưới lưỡi...


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn