Bên lề lễ phát động Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khoẻ nhân dân" ngày 8/12, trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết để chuyển tải tới người dân những thông tin về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, lực lượng cơ quan báo chí không chỉ báo viết, báo hình, báo nói mà các trang mạng, trang tin điện tử... đã góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.
Báo chí truyền thông đã chuyển tải thông tin sớm nhất để người dân chung tay, góp sức cùng cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh. Lực lượng báo chí đã phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo không ngừng cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; Phản ánh những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và sự sẻ chia trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch...
"Giải báo chí không chỉ là nguồn động viên với cán bộ ngành y tế chúng tôi, mà đồng thời còn là dịp cơ quan báo chí đồng hành ngành y tế, chuyển tải cập nhật thông tin mới nhất, chính xác nhất về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay: Năm 2020-2021 là giai đoạn đặc biệt, giới báo chí đã tiên phong trên mặt trận chống dịch COVID-19 cùng lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội...
"Các nhà báo đã thể hiện tinh thần dấn thân, cống hiến, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân để có nhiều tác phẩm xuất sắc, phản ánh sống động cuộc chiến chống đại dịch trên toàn đất nước" - ông Lợi nhấn mạnh. Đến nay, cùng sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của báo chí, truyền thông, chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Những năm qua, cán bộ y tế trên toàn quốc đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Giải báo chí là dịp tôn vinh những tấm gương ngành Y tế có những cống hiến xúc động này.
"Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam... Hơn bao giờ hết rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của đội ngũ báo chí trên cả nước, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, để có được những tác phẩm công phu, có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội"...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Theo Quyết định số 5227/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 10/11 kèm thể lệ, 5 loại hình tác phẩm sẽ tham dự Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khoẻ nhân dân" gồm: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh báo chí.
Với loại hình ảnh báo chí, Ban tổ chức quy định tiêu chí xét chọn về hình thức tác phẩm là ảnh gốc, phản ảnh tính chất báo chí (không xét ảnh đã xử lý kỹ thuật, ảnh nghệ thuật, ảnh phong cảnh, ảnh phô-tô hoặc chụp lại từ ảnh gốc). Nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh có không quá 10 ảnh, có cùng thời điểm đăng tải, thể hiện cùng nội dung nhất quán.
Cùng với tác phẩm ảnh đã đăng tải, tác giả gửi kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (đối với ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với phóng sự ảnh, nhóm ảnh).
Ngoài tiêu chí về hình thức, Giải báo chí cũng đặt ra các tiêu chí xét chọn về nội dung. Theo đó, nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước về ngành y tế, phản ánh kịp thời, sâu sắc, chính xác các vấn đề của ngành y tế; tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, tấm gương các thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ luôn hết mình vì công việc, vì người bệnh; phê phán, đấu tranh với những tiêu cực trong ngành y tế; động viên được các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tác phẩm dự giải phải có thông tin y tế chính xác, trung thực, khách quan; có tính phát hiện, có tính định hướng dư luận cao; có sức hấp dẫn, thuyết phục đối với công chúng; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân, ủng hộ hoan nghênh.
Các tác phẩm đề cập đến những vụ việc tiêu cực trong ngành y tế phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục, được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, đúng quy định.
Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực khoa học chuyên môn còn có những ý kiến khác nhau phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.