Hà Nội

Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

15-07-2024 12:17 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, bệnh có nhiều nguyên nhân và tiến triển từ từ, có khả năng gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm khả năng vận động của người bệnh.

1. Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ (tên tiếng Anh – Cervical spondylosis) là tình trạng thoái hóa các thành phần xung quanh đốt sống cổ như sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, cơ cạnh cột sống... 

Đây là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, bệnh tiến triển từ từ có khả năng gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm khả năng vận động của người bệnh.

Bệnh không chỉ gặp ở người già mà số lượng người trẻ tuổi làm việc trong điều kiện không phù hợp cũng có nguy cơ cao bị bệnh này.

Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng thoái hóa các thành phần xung quanh đốt sống cổ như sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, cơ cạnh cột sống...

2. Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ

  • Nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ được cho là do quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi, bởi khi tuổi càng cao, xương và sụn tạo nên đốt sống cổ dần bị hao mòn, gây ra những thay đổi.
  • Đĩa đệm cột sống bị mất nước, hư hại: Ở giữa các xương cột sống chính là đĩa đệm, chúng có vai trò giống như lớp đệm giúp hấp thụ lực, giảm sốc khi cơ thể hoạt động. Lớp nhân này có thể bị mất nước theo thời gian khiến các đốt xương cọ xát vào nhau và gây nên tình trạng đau đớn. Đĩa đệm cột sống cũng có thể bị rách, nứt khiến cho lớp nhân bên trong bị rò rỉ rồi đè lên tủy sống và dây thần kinh dẫn đến các triệu chứng như đau mỏi, tê bì dần lan xuống cánh tay…
  • Do đặc thù công việc khiến sụn khớp phải chịu áp lực quá tải trong thời gian dài: Một số người phải làm việc trong điều kiện giữ nguyên một tư thế quá lâu hoặc mang vác nặng như: nhân viên văn phòng, công nhân xây dựng,… có thể gây áp lực lên cột sống, dẫn đến sự hao mòn sớm và thoái hóa cột sống cổ.
  • Có tiền sử chấn thương cột sống cổ: Một số người bị chấn thương ở cổ chẳng hạn như bị ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động... cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, tổn thương đĩa đệm và gây thoát vị.
  • Người có các vấn đề về khớp hoặc bệnh xương khớp khác có nguy cơ cao hơn mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
  • Bên cạnh đó, những trường hợp có dị tật cột sống bẩm sinh cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Đặc thù một số công việc cũng tăng nguy cơ gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ.

3. Triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào thời gian và mức độ của bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng dần xuất hiện rõ.

  • Triệu chứng dễ thấy là người bệnh đau nhức vùng cơ cạnh cột sống cổ, đau lan qua 2 tai, đôi khi kéo theo cả đau đầu, bả vai và cánh tay, có thể cộng thêm hoa mắt, chóng mặt.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng cứng cổ, đau ê ẩm vùng gáy, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, thời tiết đột ngột thay đổi, khó khăn khi vận động ở cổ và dù đã nghỉ ngơi. Triệu chứng đau tăng lên khi thực hiện những cử động như xoay, cúi, ngửa cổ, khi ho hoặc hắt hơi,... có thể có điểm đau tại cột sống cổ.
  • Nếu dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra tình trạng tê rần, cảm giác kiến bò vùng vai và dọc theo cánh tay, trường hợp nặng có thể dẫn đến yếu cơ, teo cơ cánh tay, thậm chí ảnh hưởng đến dáng đi của người bệnh.
  • Các triệu chứng sẽ tăng dần khi tình trạng bệnh xấu đi nhưng không phải ai cũng gặp tất cả các dấu hiệu trên. Bác sĩ khuyến cáo cần đến bệnh viện kiểm tra ngay khi nhận thấy vùng cổ có biểu hiện đau nhức liên tục trong nhiều ngày để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp.

4. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có lây nhiễm không?

Thoái hóa đốt sống cổ không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể truyền từ người này sang người khác.

5. Phương pháp phòng bệnh

Dựa trên những nguyên nhân dẫn tới bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể đưa ra nhiều khuyến cáo để phòng bệnh này.

  • Trong lao động, sinh hoạt cần tránh các động tác sai tư thế, đột ngột thay đổi tư thế, giữ một tư thế quá lâu, mang vác quá nặng gây chèn ép xương cột sống...
  • Tránh va chạm mạnh gây thương tổn vùng cột sống cổ.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh thoái hóa cột sống cổ và nhiều bệnh tật khác.
  • Tập thể dục thường xuyên để làm tăng lưu lượng máu và oxy đến các vùng trên xương sống, hỗ trợ vận chuyển các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp duy trì tính linh hoạt của cột sống.
  • Khi ngủ, tránh nằm ở 1 tư thế quá lâu, không nằm sấp khiến cổ bị gập xuống, gối đầu có độ dày phù hợp, không nên nằm gối đầu quá cao.
  • Phát hiện sớm các dị tật vùng cột sống, các bệnh lý xương khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời.

6. Các biện pháp điều trị bệnh

6.1 Trường hợp nhẹ:

  • Người bệnh có thể thư giãn và nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng vùng cổ để giảm các triệu chứng.
Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp.

6.2 Trường hợp nặng

  • Dùng thuốc: Với một số bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn gồm thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm - giảm đau và một số loại thuốc khác tùy vào triệu chứng. Bệnh nhân có thể được tiêm thuốc chống viêm vào vùng cạnh đốt sống cổ để đạt hiệu quả giảm đau tại chỗ.
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp cổ, tăng cường sự lưu thông máu đến vùng cổ và giúp các cử động ở vùng cổ và vai gáy không còn khó khăn.
  • Phẫu thuật: Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa thì phẫu thuật là phương án cần thiết để điều trị bệnh.
Bài thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổBài thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ

SKĐS - Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động... Bệnh lâu ngày gây tổn thương cơ bản sụn khớp và đĩa đệm cột sống.


ThS.BS Đỗ Hà Phương
Khoa Nội Cơ xương khớp – Hô hấp – Da liễu, BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn