Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer, thần Mặt Trăng được xem là vị thần quan trọng nên được mỗi gia đình, mỗi Phum Sróc và cộng đồng người Khmer suy tôn và thờ cúng.
Từ xưa, hàng tháng cứ vào ngày trăng tròn - ngày Rằm, người Khmer đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà, cầu cho vị thần này bảo hộ mùa màng để lúa thóc đầy bồ.
Ngày nay, lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào đêm 15/10 âm lịch khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ.
Nghi lễ cúng trăng của đồng bào Khmer. Video: Tuấn Tuấn
Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ "đút cốm dẹp". Ok Om Bok là lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sene Dolta của đồng bào Khmer.
Lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm.
Thần Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng.
Ngày Rằm tháng Mười âm lịch, khoảng đầu tháng 11 dương lịch là thời điểm chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa nắng, gió mùa Đông Bắc thổi về mang theo ngọn gió mát mẻ có chút se lạnh. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Mặt Trăng là vị thần điều hòa thời tiết làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vì vậy đồng bào Khmer tổ chức Lễ hội Ok Om Bok để tạ ơn vị thần Mặt Trăng bằng nông sản sẵn có vừa thu hoạch được.
Đèn hoa đăng và đèn gió cũng có trong Lễ hội Ok Om Bok.