Lễ Hội được tổ chức hằng năm vào dịp lễ Đôn ta của người dân tộc Khmer, diễn ra khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm.
Bà con dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi – An Giang cũng như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang… hàng năm đều có ba ngày lễ lớn, đó là lễ Chôl Chnam, lễ Đôn ta và lễ Ok Ang Bok. Vào dịp lễ Đôn ta, tại Vùng Bảy Núi (Thất Sơn, gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn) bà con tổ chức nhiều cuộc vui chơi giải trí, trong đó hoành tráng và hấp dẫn nhất là lễ hội đua bò. Ảnh: Hồng Nhung
Ảnh: Hồng Nhung
Kể từ năm 1992, chính quyền địa phương đã đưa Hội đua bò thành lễ hội truyền thống, lấy tên là “Lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi”. Hàng năm cứ vào đầu tháng Tám Âm lịch, các chủ bò đều tích cực tuyển các đôi bò khỏe mạnh và chọn các chàng trai lực lưỡng để tập dượt. Ảnh: Hồng Nhung
Mỗi đôi bò khi đua phải kéo theo một cái bừa. Thể thức đua cũng giống như các loại hình thể thao khác, các đôi bò bắt thăm từng cặp, từ vòng loại đến tứ kết, bán kết rồi chung kết. Theo điều lệ, người tham gia cuộc chơi phải trải qua hai vòng hô và một vòng thả. Ảnh: Hồng Nhung
Người điều khiển “tài xế bò” (tiếng dân tộc gọi là Xầm – nít chí – cơ). Tài xế bò phải tuân thủ ý kiến của các trọng tài một cách nghiêm ngặt, như trong lúc bò đang chạy mà tài xế lỡ rớt chân hoặc té sẽ bị loại ngay. Còn nếu như đang chạy, cặp bò lại “sanh chứng” phóng ra khỏi biên, tiếng nhà nghề gọi là “tạt” cũng bị thua. Ảnh: Hồng Nhung
Lễ hội đua bò Núi Bảy cũng là dịp chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm và hướng đến kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, UBND 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức. Ảnh: PV
Đến tham dự vòng chung kết năm nay có 56 đôi bò đã chiến thắng vòng loại đến từ các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: PV
Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức đấu một vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và một vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất để về đích) để chọn ra đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Trên đường đua, nếu đôi bò nào phạm quy như tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước thì sẽ bị loại, cặp bò còn lại sẽ giành chiến thắng để tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Cặp bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp. Ảnh: Hồng Nhung
Sau một ngày tranh tài sôi nổi, với những giây phút căng thẳng, kịch tính và đầy hào hứng, đôi bò của ông Nguyễn Thanh Toàn, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi đua bò Bảy Núi lần 27 và người điều khiển bò xuất sắc nhất. Ảnh: Hồng Nhung
Lễ hội đua bò Núi Bảy là hoạt động nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao văn hóa, tinh thần, tạo không khí phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Đôn ta. Đồng thời, quảng bá hình ảnh đua bò Bảy Núi đến đông đảo nhân dân trong nước và thế giới... Ảnh: Hồng Nhung.