Chúng tôi gặp anh ở phòng làm việc sau tiết dạy học, ở một góc phòng nhiều giấy khen được đóng khung tỉ mỉ. Trong ngăn tủ kính nhỏ, anh vẫn cẩn thận cất giữ 30 tờ chứng nhận tham gia hiến máu và những giấy khen, bằng khen mình được nhận.
Nói về nghĩa cử cao đẹp của mình, anh Cường cho rằng đó là điều bình thường và nên làm để giúp đỡ người bệnh khi có thể. Bởi đối với mọi người, khi cho đi một lượng máu phù hợp sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng với những người bệnh thì lượng máu đó có thể cứu sống sinh mạng của họ.
"Máu thực sự rất quý giá nhưng bản thân mình có thể cho đi thì nên cho đi vì thuốc hay máy móc để chữa bệnh thì có thể sản xuất được còn máu thì không. Trong khi công tác cấp cứu và điều trị bệnh thì rất cần máu. Nếu không có người hiến máu thì chắc hẳn sẽ có nhiều người bệnh gặp nguy hiểm", thầy Cường tâm sự.
Anh Cường kể, bản thân đã mong muốn được hiến máu từ thời sinh viên, nhưng lúc đó thể trạng yếu, cân nặng chưa đến 45 kg nên không thể hiến máu được. Đến năm 2008 khi anh ra trường, về sinh hoạt đoàn tại địa phương, các yếu tố cần để hiến máu đã có, anh không ngần ngại cùng nhiều đoàn viên khác tham gia. Lần đầu hiến máu của anh cũng có những nỗi lo lắng, sợ hãi, nhưng dần dần việc hiến máu trở thành "thói quen" của anh.
Không chỉ tích cực tham gia hiến máu cứu người, thầy Cường còn là một người hết sức năng động và nhiệt huyết, thường xuyên vận động thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Đó là khi về công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, ngoài công tác giảng dạy, thầy Cường còn đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đoàn trường. Gặp được những người đồng nghiệp, sinh viên tràn đầy tấm lòng nhân ái, thầy Cường càng dễ dàng hơn trong việc cùng đoàn trường phát động phong trào hiến máu cứu người.
Muốn lan tỏa phong trào hiến máu, thầy Cường nghĩ không thể nói suông mà là người tiên phong. Thầy Cường gần như không thiếu mặt trong những đợt hiến máu tình nguyện ở trường và trên địa bàn khi đã đủ điều kiện hiến máu. Thầy Cường nghĩ, để vận động tham gia làm việc nghĩa thì nên bắt đầu kêu gọi từ những người gần gũi mình. Thế là anh vận động người thân, sinh viên cùng tham gia. Hiểu được ý nghĩa của những giọt máu cho đi, bố, vợ, em gái thầy Cường và nhiều sinh viên trường y đã hưởng ứng tham gia hiến máu.
Ngoài việc tham gia hiến máu trong các đợt hiến máu dự trữ, thầy Cường vẫn sẵn sàng "cho máu sống" khi bệnh nhân cần trong quá trình cấp cứu, điều trị. Thầy Cường vẫn nhớ lần hiến máu sống giúp một bệnh nhân ung thư. Khi nhận được yêu cầu giúp đỡ từ người nhà bệnh nhân, thầy ngay lập tức thu xếp công việc để đến hiến máu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Nhận được những lời cảm ơn chân thành anh cảm thấy việc càng có động lực hơn trong hành trình ý nghĩa.
Với tấm lòng nhân ái, thầy Cường còn năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có thiên tai. Nhiều địa phương khó khăn miền núi, biên giới đã in dấu giày của thầy Cường cùng những người đam mê thiện nguyện.
Với những đóng góp của mình, thầy Lê Xuân Cường đã nhận được sự tin yêu, nể phục của mọi người. Cùng với đó là sự ghi nhận của các tổ chức cá nhân với nhiều chứng nhận, giấy khen, bằng khen. Đặc biệt là 2 Bằng khen của Trung ương Đoàn vì những đóng góp trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
BS. Lê Viết Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình cho biết, trong công tác, thầy Cường luôn nhiệt huyết hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Với các hoạt động thiện nguyện xã hội, đặc biệt là hiến máu tình nguyện thầy Cường luôn năng nổ tham gia.
"Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở đơn vị. Thầy Cường còn tham gia nhiều hoạt đồng thiện nguyện. Dường như năm nào cũng 1-2 lần thầy Cường tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, thầy luôn được đồng nghiệp và học trò tin yêu", thầy Hùng cho biết.