Chúng tôi theo chân PGS.TS. Trần Sinh Vương đến giảng đường Bộ môn Giải phẫu (Trường Đại học Y Hà Nội) vào một ngày trời nhiều sương, thời tiết se lạnh. Phải lấy hết can đảm, chúng tôi mới dám dự một buổi thực hành giải phẫu tử thi cùng sinh viên Y1 ở bộ môn này.
Một căn phòng sáng nhưng tĩnh lặng hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi cảm giác rợn người khi lần đầu bước chân vào. Dù mới chỉ ở trong phòng vài phút nhưng mùi formol, hóa chất bảo quản tử thi đã xộc lên làm mắt cay sè.
Ngoài hai thi thể đang được sinh viên Y1 thực hành phẫu tích, trong phòng còn có nhiều tiêu bản các bộ phận cơ thể người, từ chân tay tới nội tạng đựng trong những bình thủy tinh trong suốt. Có cả những thi thể thai nhi từ vài tháng tuổi đến lúc mới lọt lòng...
Theo thầy Vương, đây là nơi tiếp nhận và lưu trữ các thi thể hiến tặng sau khi qua đời và cũng là nơi khởi đầu của biết bao thế hệ sinh viên Y khoa trước khi trở thành bác sĩ thực thụ.
Xin chia sẻ đến bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống buổi trò chuyện của chúng tôi cùng PGS.TS. Trần Sinh Vương - Nguyên Trưởng bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội, người đã hơn 30 năm gắn bó với nơi này.
- Xin chào PGS.TS. Trần Sinh Vương, cơ duyên nào đã "đưa đường dẫn lối" thầy đến với bộ môn Giải phẫu đầy tự hào nhưng cũng lắm gian nan thử thách này?
Thực ra thì chẳng có cơ duyên nào cả. Tôi nhớ là sau khi thi đỗ vào hệ Bác sĩ nội trú và Trợ lý giảng dạy (bây giờ gọi chung là Bác sĩ nội trú), Phòng Quản lý học sinh khi ấy gọi tôi cùng một số bạn lên phòng gặp và có hỏi tôi là chọn chuyên ngành nào? Cán bộ phòng khi đó nói rằng chỉ còn hai chuyên ngành, Giải phẫu và Huyết học.
Lúc đó tôi chẳng hiểu mấy về chuyên ngành cũng không tham khảo ai để tư vấn định hướng nên cứ vô tư nói là "tùy trường ạ, chuyên ngành nào cũng được". Vì vậy, sau đó nhà trường phân tôi theo chuyên ngành Giải phẫu.
- Thầy có thể chia sẻ về công việc hằng ngày của một giảng viên ở Bộ môn Giải phẫu?
Giải phẫu là môn y học cơ sở quan trọng đối với sinh viên y khoa, giúp các bác sĩ tương lai trang bị kiến thức nền tảng về cấu trúc, cơ thể con người. Ngay từ đầu năm học thứ nhất, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đã phải chuẩn bị tinh thần để thực hành trên tử thi.
Là một giảng viên chuyên ngành Giải phẫu cũng như hầu hết các giảng viên khác của Trường Đại học Y Hà Nội, chúng tôi có hai nhiệm vụ chính, đó là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong giảng dạy có hai phần gồm lý thuyết và thực tập (thực hành). Về lý thuyết, người thầy phải giúp sinh viên nhìn, nghe, hiểu, hình dung được… về vị trí, hình thể, màu sắc cũng như sự liên quan đến các cơ quan trong cơ thể người với nhau. Không những thế, giải phẫu còn là môn y học cơ sở nên giảng viên phải vẽ hình, trình chiếu, đóng vai, làm mẫu những tình huống lâm sàng… sao cho người học hiểu được một cách tốt nhất.
Về phần thực tập, người thầy sẽ làm rõ hơn, liên hệ với các ứng dụng lâm sàng… về cấu tạo, cấu trúc của từng cơ quan trong cơ thể người mà phần lý thuyết đã đề cập. Cụ thể, chúng tôi giảng trên những tranh ảnh, những mô hình, hay trên tử thi (xác).
Còn việc nghiên cứu khoa học luôn được tiến hành liên tục, tuy nhiên cũng tùy theo giai đoạn mà cần thời gian ít hay nhiều cho mỗi công trình nghiên cứu.
- Trong lần đầu tiên tiếp xúc với tử thi, thầy có sợ? Thầy ấn tượng gì không?
Tôi nhớ buổi học Giải phẫu đầu tiên là học về xương chi trên (xương cánh tay, các xương cẳng tay, các xương bàn tay…). Tôi và các bạn chăm chú nghe thầy giảng và vừa nghe, vừa nhìn, ngắm, sờ mó… từng chi tiết như những củ xương, gai xương, đầu xương, bờ xương…
Vì chúng tôi phải biết, mô tả được từ vị trí, hình thể, kích thước, chức năng của từng chi tiết của xương. Đến cuối buổi học, tôi và các bạn hỏi nhau "đây là xương thật hay giả?", đứa thì bảo là xương thật, đứa thì nói là xương giả, đứa thì hồ nghi chẳng biết là xương thật hay giả nữa.
Thầy thấy thế nói ngay, "giả là giả thế nào, hoàn toàn là xương thật đó. Và mỗi một người chết đi chỉ để lại cho chúng ta hai xương cánh tay do vậy nên các bạn mới có cái mà học đó". Khi nghe thầy nói là xương thật, nhưng trước đó mỗi chúng tôi đã sờ, mó… rồi nên chẳng thấy sợ nữa.
Với những xác để học thì đã được ngâm formol để cố định các tổ chức và giữ cho da, cơ, mỡ, mạch máu, thần kinh… không bị phân hủy. Phần học thì đã được phẫu tích sẵn còn với những phần không học sẽ được che đi bởi các tấm toan vải nên lần đầu tiên nghe thầy giảng trên xác cũng bớt sợ. Và dần dần rồi chúng tôi cũng quen, thậm chí phải tranh nhau học hoặc học ngoài giờ (học trộm). "Học trộm" vì một là thích được tìm hiểu, phần vì sợ trượt vì quả thật môn học này rất khó.
Ấn tượng mạnh mẽ và sâu đậm nhất với tôi chính là lần đầu tiên học thực tập trên xác. Những xác người đã được ngâm formol nên màu sắc cũng không giống xác bình thường, nó là màu thâm đen, nặng mùi cay nồng của formol khiến cho tôi khi đó cảm thấy ghê ghê thậm chí buồn nôn. Đó cũng là lí do khi tôi nhìn thấy món thịt bò sốt vang là không dám ăn. Nhưng theo thời gian những cảm giác ghê sợ đó với tôi cũng dần phai nhạt và khoảng vài tháng sau mọi thứ như bình thường.
- Thế còn với những sinh viên của thầy thì sao, lần đầu tiếp xúc với tử thi của họ thế nào?
Có hai cảm xúc đối nghịch của sinh viên y khoa khi tiếp xúc tử thi lần đầu tiên. Phần lớn sinh viên rất sợ khi lần đầu bước vào phòng thực hành bởi họ chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt xác ướp. Không ít sinh viên sau khi tham gia buổi thực hành đầu tiên trên tử thi về phải bỏ ăn, mất ngủ vì sợ. Do vậy, với các em sinh viên này thì chúng tôi phải làm công tác tư tưởng vì đây là một môn khó và không thể thiếu trong quá trình hành nghề. Còn lại thì có một số sinh viên lại hào hứng, phấn khích với môn học "vừa lạ vừa ghê" này.
- Thầy có thể cho biết việc bảo quản xác hiến diễn ra như thế nào và xác hiến sẽ được sử dụng trong bao lâu thì sẽ đem đi hỏa táng?
Nhìn chung các tử thi được tiếp nhận về bộ môn Giải phẫu cũng cần có điều kiện như: Người mất trong vòng 24 giờ để tránh các mô bị phân hủy; không mắc những bệnh mà có thể nguy hiểm cho những người xử lý và tất nhiên phải được sự đồng ý của họ cũng như gia đình họ là hiến thi thể trước khi họ qua đời.
Sau khi các tử thi được nhận về bộ môn Giải phẫu, các tử thi sẽ được xử lý theo một quy trình khoa học, chặt chẽ như bơm, tiêm và ngâm formol… Sau khi được ngâm formol 6 tháng thì tử thi sẽ được sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu khoa học.
Hiện tại, bộ môn đang có 13 xác hiến, những xác sau khi sử dụng xong được hỏa táng theo đúng thủ tục và quy trình kỹ thuật. Phần tro cốt được thực hiện theo nguyện vọng của gia đình người hiến (thường gửi về cho họ) hoặc được an táng tại một nghĩa trang. Tất cả hồ sơ người hiến thi thể đều được lưu trữ tại bộ môn chúng tôi.
- Trong số những xác hiến được bảo quản tại đây, trường hợp nào khiến thầy ấn tượng nhất?
Câu chuyện thứ nhất là một sinh viên quê ở Nam Định, đang du học ở Mỹ. Người này không may bị ung thư, mặc dù gia đình và bệnh viện hết lòng cứu chữa nhưng do bệnh nặng nên không qua khỏi. Theo nguyện vọng của sinh viên này muốn được hiến thi thể của mình cho bộ môn Giải phẫu, do đó bố mẹ em đã làm theo di nguyện là hiến tặng thi thể cho Trường Đại học Y Hà Nội chúng tôi.
Câu chuyện thứ hai làm tôi xúc động vì do hoàn cảnh quá khó khăn, mặc dù gia đình muốn đưa về an táng, nhưng do không có tiền lo hậu sự nên người vợ đành làm theo nguyện vọng của chồng là hiến thi thể (sau khi anh này đã nằm điều trị khá dài ngày ở Bệnh viện Bạch Mai) cho Bộ môn chúng tôi.
Đó là một trong nhiều hành động cao cả của những người hiến thi thể sau khi qua đời và cũng thể hiện như danh ngôn "Đời người hữu hạn, nhưng sự sống vô biên".
- Khi giảng dạy bộ môn đặc biệt này, chắc hẳn thầy và đồng nghiệp đã gặp không ít khó khăn?
Các cán bộ công nhân viên chuyên ngành Giải phẫu gồm những giảng viên (như tôi chẳng hạn), những trợ giảng hay còn gọi là kỹ thuật viên và những y công (tương tự như hộ lý ở bệnh viện), chúng tôi đều gặp ít nhiều khó khăn, nhất là về đời sống vật chất. Vì ngoài lương ra không có khoản thu nhập nào khác.
Để duy trì, đảm bảo cuộc sống thì chúng tôi phải làm thêm các công việc phù hợp khác. Như tôi, ngay từ những ngày đầu về bộ môn Giải phẫu, tôi đã phải đi dạy thêm tiếng Anh (vì trong thời gian học chương trình Bác sĩ nội trú, tôi có học và có văn bằng hai tiếng Anh). Ngoài ra, tôi có đi dạy thêm Giải phẫu ở một số trường cao đẳng Y, cũng như trung cấp Y.
- Nhân dịp ngày 20/11, thầy có muốn chia sẻ điều gì tới đồng nghiệp và sinh viên không?
Tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới tất cả đồng nghiệp đã và đang công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tôi tự hào về lựa chọn của mình cách đây 30 năm, tự hào vì được làm việc cùng các đồng nghiệp nhiệt huyết và tâm huyết với nghề. Tôi cũng mong các bạn sinh viên đang theo học ngành Y hãy học tập thật nỗ lực để có thêm nhiều kiến thức phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Sinh Vương về những chia sẻ này!
Nhớ lại lần đầu tiên khi bước chân vào phòng thực hành, Trịnh Quốc Huy - sinh viên Y4 ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, em chưa từng quên cảm giác khi lần đầu học môn "khó nhằn" này. "Cảm giác khiến mình sợ khi vào phòng giải phẫu là mùi formol nồng xộc thẳng vào mũi và luồng không khí lạnh run. Lần đầu tiên em đứng giữa những xác người. Em thực sự sợ hãi".
Trong lần đầu đó, một số thành viên trong lớp đã không tránh khỏi choáng váng, phải chạy ra ngoài trấn tĩnh. "Chuyện sinh viên ngất xỉu trong phòng xác xảy ra không phải là chuyện hiếm. Chúng em sẽ được thầy cô sơ cứu. Sau khi nghỉ ngơi và trấn tĩnh, mọi người trở lại phòng và học tiếp. Nếu không vượt qua cảm giác sợ hãi, mỗi sinh viên không thể vượt qua môn học quan trọng này bởi Giải phẫu khó khăn là thế, nhưng qua đó, sinh viên có cơ hội nắm rõ, hiểu sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.
"Mỗi lớp học chia làm hai ca. Mỗi ca hai xác đã được phẫu tích, sinh viên sẽ được thầy giáo dạy, bóc tách từng bộ phận. Chẳng hạn đến giờ học về tay, các thầy sẽ phẫu tích tay ra cho mọi người thấy rõ các dây thần kinh, cơ là như thế nào". Sinh viên cho biết, dù "khó nhằn" là vậy nhưng Giải phẫu có lẽ lại là môn học cơ bản nhất và ấn tượng nhất của đời sinh viên Y khoa.
Nguyễn Hưng - sinh viên Y1 ngành Y học cổ truyền chia sẻ: "Khi học môn này, các thầy cô dặn chúng em điều đầu tiên là phải tôn trọng các thi thể - những "người thầy thầm lặng", không được làm những hành động khiếm nhã. Các thầy còn dặn dò trước về mùi sốc và độ độc của formol để bảo vệ bản thân cũng như những quy định trong phòng thực hành. Và một điều quan trọng nữa các thầy chỉ dẫn cho chúng em phương pháp học tập sao cho hiệu quả, tránh lãng phí thời gian và công sức".