Chiều 19/11, tại BV Phổi Trung ương diễn ra Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội và ra mắt cuốn sách "Bệnh học Lao và các Bệnh phổi". Đến dự buổi lễ có TS.BS. Hà Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Trần Văn Sáng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lao vầ Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội và các thế hệ thầy thuốc đã và đang cống hiến cho bộ môn và chuyên ngành lao và bệnh phổi.
Các y bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi có thể thực hiện các kỹ thuật cao nhất, trong đó có ghép phổi
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS. Hà Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định: "Bộ môn Lao và Bệnh phổi là một trong số ít những bộ môn có truyền thống, đi tiên phong trong lĩnh vực y tế. Trong suốt hành trình phát triển của ngành y tế, Bộ môn Lao và Bệnh phổi cùng với nhiều thế hệ thầy thuốc chuyên ngành lao và bệnh phổi đã có những đóng góp không nhỏ cho bức tranh chung của ngành y tế ngày hôm nay."
65 năm qua, Bộ môn Lao và Bệnh phổi đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Đến nay, các bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi của Việt Nam đã có thể thực hiện được những kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực lao và bệnh phổi – đó là thực hiện các ca ghép phổi trên người. "Điều này thể hiện rằng, đội ngũ bác sĩ của Việt Nam có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất, không thua kém bất cứ bác sĩ của các nước phát triển nào", TS.BS. Hà Anh Đức nói.
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội, Giám đốc BV Phổi Trung ương khẳng định: "Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển đầy tự hào của Bộ môn… Trải qua 65 năm, Bộ môn Lao và Bệnh phổi - Trường Đại học Y Hà Nội luôn đặt sứ mệnh đào tạo đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực Lao và Bệnh phổi, góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực y tế chuyên khoa bảo vệ sức khỏe Phổi cho nhân dân."
Chia sẻ nhân ngày lễ đặc biệt này của bộ môn Lao và Bệnh phổi, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: "Sự gắn bó, đồng hành của các thầy cô với Trường ĐH Y Hà Nội là rất lớn. Thế hệ các thầy cô bộ môn lao và bệnh phổi đã cống hiến và cùng các thầy cô bộ môn khác làm nên sự nghiệp đào tạo của trường ĐH Y Hà Nội góp phần vào sự phát triển của ngành y tế ngày hôm nay."
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Trần Văn Sáng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lao vầ Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội và các thế hệ thầy thuốc chuyên ngành Lao và Bệnh phổi đã đến tham dự lễ kỷ niệm.
Cuốn cẩm nang cho chuyên ngành Lao và Bệnh phổi
Tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội, Hội đồng biên tập đã giới thiệu cuốn sách "Bệnh học Lao và các Bệnh phổi". Đây không chỉ là tâm huyết, mà còn là trí tuệ, sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô Bộ môn Lao và Bệnh phổi, Trường ĐH Y Hà Nội, cùng các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phổi Trung ương/Chương trình Chống lao Quốc gia.
Cuốn sách "Bệnh học Lao và các Bệnh phổi" gồm 2 tập là giáo trình giảng dạy sau đại học với những kiến thức chuyên sâu về bệnh học lao, bệnh phổi, hồi sức cấp cứu trong bệnh hô hấp.
TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh, đây là tài liệu giảng dạy sau đại học của Bộ môn. "Đó là kết tinh của trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực, sự kết hợp hữu cơ của các cán bộ, giảng viên thỉnh giảng, bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện. Đây vừa là những tài liệu có tính chuyên môn cao, cập nhật, có tính thực hành trong lĩnh vực chuyên khoa bệnh phổi và bệnh lao", TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, ĐH Y Hà Nội.
Những tác giả thực hiện cuốn sách mong muốn tài liệu này không chỉ đóng góp vào kho tàng kiến thức chuyên ngành lao và bệnh phổi mà còn là tài liệu, là sách giáo khoa dành cho học tập, nghiên cứu và đào tạo, phát triển chuyên môn sâu cho các học viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo y khoa, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trong cả nước.
Chia sẻ về cuốn sách này, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng: "Đây là một công trình đồ sộ, một bộ sách chuyên ngành sâu. Không phải bộ môn lâm sàng nào cũng có cuốn sách với đầy đủ kiến thức, cập nhật và sâu như bộ sách này. Đây có thể coi là dấu mốc lịch sử của bộ môn và chuyên ngành lao và bệnh phổi. Bằng tài liệu này, từ nay các bác sĩ của chúng ta có một tài liệu chính thống để tham khảo".