Thành lập 3 Đoàn công tác giám sát phòng, chống xâm hại trẻ em

19-07-2019 16:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" đã họp phiên thứ nhất, công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát và thống nhất các nội dung sẽ triển khai trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 Thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn.

Đoàn giám sát được chia thành ba đoàn công tác. Đoàn công tác số 1 có 16 người do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác số 2 có 15 người do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác số 3 có 15 người do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn.

Phát biểu tại phiên họp, các kiến tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào đề cương giám sát, cách thức tổ chức giám sát. Để nâng cao hiệu quả giám sát, một số ý kiến đề nghị Đoàn giám sát cần đi xâm nhập thực tế, tìm hiểu những trường hợp, vụ việc cụ thể, không chỉ nghe cơ sở báo cáo.

Một số đại biểu cũng đề nghị báo cáo của Đoàn giám sát cần phân tích kiến nghị làm rõ đường lối, quan Điểm của Đảng về chăm sóc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cần những giải pháp về mặt kỹ thuật như lắp hệ thống camera tại điểm đông dân cư, khu vui chơi trẻ em và những nơi trống vắng.

Đặc biệt, trong giám sát không thể thiếu sự tham gia của người dân, làm sao để công tác giám sát mang tính “xã hội hóa”, mọi người, mọi ngành phải có đóng góp trong vấn đề này. Bởi hiện nay việc xâm hại trẻ em đang diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội, do đó toàn xã hội phải có trách nhiệm tham gia chăm sóc bảo vệ trẻ em.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em cho rằng, đây là đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, do đó thành viên đoàn giám sát cần xác định làm việc quyết liệt, khoa học.

Các đoàn công tác cần đến những nơi làm tốt điển hình và những nơi đang còn bức xúc để giám sát thì kết quả giám sát mới tổng quát, toàn diện. Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng phải chỉ rõ “địa chỉ” thì mới quy được trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các đoàn giám sát khi đi giám sát thực hiện chính sách pháp luật phải qua những vụ việc cụ thể, địa bàn cụ thể; có thể đi xuống giám sát tại các trường học nội trú, thôn bản, xã phường, những nơi nổi cộm những vấn đề bức xúc về xâm hại trẻ em.

Nhưng không phải chỉ những nơi “cộm” mới xuống để giám sát, khảo sát. Ngoài ra, “cần tập trung giám sát ở những nơi mà báo chí đang phản ánh về những vụ việc xâm hại trẻ em, gây bức xúc xã hội”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).


Hà An
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn