Theo Tổng Thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở các kiến nghị của đại biểu, Quốc hội đề xuất 2 nội dung giám sát tối cao năm 2020.
Tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn một trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể sau đây:
Phương án 1: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).
Phương án 2: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Theo thống kê, có 21 cơ quan, 19 đoàn ĐBQH đề nghị lựa chọn nội dung này. Đồng thời, chuyên đề đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để lựa chọn đưa vào chuyên đề giám sát theo quy định.
Sau khi thảo luận, Quốc hội đã “bấm nút” chọn Chuyên đề giám sát năm 2020. Theo đó, với 79,13% ý kiến tán thành phương án 1, các đại biểu Quốc hội nhất trí tiến hành giám sát năm 2020 với Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ được Quốc hội giám sát vào năm 2020
Theo đó, trong buổi thảo luận Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nhất trí với phương án giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bởi lẽ trẻ em là đối tượng quan trọng cần được gia đình và cả xã hội bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế bảo vệ, tạo lá chắn vững chắc hơn ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.
“Những hành vi xâm hại trẻ em khi chạm ngưỡng hình sự mới bị xử lý, do đó những con số được nêu rõ có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, con số này còn rất lớn vì trẻ em và gia đình nạn nhân không tố giác do e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng tới trẻ em và gia đình”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, thời gian qua, các cơ quan báo chí truyền thông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với xã hội. Tuy nhiên, quyền tác nghiệp của phóng viên nhiều nơi chưa được bảo đảm, có nơi ngăn cản, né tránh phóng viên, có nơi hành hung phóng viên, có nơi lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân…
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần có sự giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để chỉnh đốn, tăng cường hoạt động của báo chí thời gian tới.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc chọn vấn đề giám sát đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và đại biểu tán thành.
Theo thống kê của Thư viện Quốc hội cung cấp thì tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong 2 năm 2017-2018 và quý I /2019 trên toàn quốc là 3.499 vụ với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại bị phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh những nội dung trên, về đề xuất nội dung chuyên đề giám sát năm 2020, đại biểu đề nghị đưa nội dung việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020. Vì thời gian qua, vấn đề này dù luôn được thanh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ xả trộm chất thải trực tiếp, gây sự cố môi trường nghiêm trọng. Gần đây, nhiều vụ vi phạm liên tiếp được phát hiện ở các địa phương.
Ngoài ra, pháp luật về môi trường thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay bộc lộ những bất cập nhất định cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là hoàn thiện trách hiệm cụ thể bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, chế tài xử phạt để giáo dục, răn đe.