Hà Nội

Tâm lý người dân là vấn đề then chốt đẩy giá đất tăng cao

30-10-2024 15:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, bảng giá đất mới tại TPHCM cơ bản đã phù hợp, nhưng cũng là cơ hội để các đối tượng đầu cơ thực hiện các hành vi "tát nước theo mưa". Trong đó, tâm lý của người dân sẽ là vấn đề then chốt dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.

Theo Quyết định 79 của UBND TP Hồ Chí Minh, bảng giá đất mới sẽ chính thức được áp dụng vào ngày mai (31/10). Quy định này được nhiều người chờ đợi khi các chuyên gia đánh giá bảng giá đất sửa đổi lần này cơ bản phù hợp thực tiễn, đảm bảo được sự công bằng, quyền lợi người dân cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách.

Theo nhiều chuyên gia, bảng giá đất mới tại TPHCM đã cơ bản bám sát giá thị trường, từ đó tác động tích cực đến các công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như giải quyết các vấn đề hiện còn vướng mắc trong xác định giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại bảng giá đất mới cũng là cơ hội để các đối tượng đầu cơ thực hiện các hành vi "tát nước theo mưa". Trong đó, tâm lý của người dân là vấn đề then chốt dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà, đất.

Tâm lý người dân là vấn đề then chốt đẩy giá đất tăng cao- Ảnh 1.

Tâm lý người đang sở hữu đất muốn bán cao hơn, gây áp lực tăng giá đất khi TPHCM áp dụng bảng giá đất mới.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Nguyễn Thanh Lân, Giảng viên Khoa Bất động sản – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, bảng giá đất mới có thể tác động gây phản ứng tâm lý và hành vi của chủ thể tham gia thị trường. Cụ thể, người dân có tâm lý muốn bán bất động sản với giá cao hơn trước đây, dẫn đến giá giao dịch trên thị trường thứ cấp sẽ có xu hướng tăng lên.

"Đây là vấn đề chúng ta cần xem xét, khi bảng giá đất tăng lên, giá đất giao dịch trong hợp đồng chuyển nhượng, mua bán của các bên sẽ có xu hướng tăng lên. Thị trường bất động sản có đặc thù rất nhạy cảm với thông tin, có thông tin chỗ kia tăng giá thì người đang có đất cũng muốn tăng giá, dù đó là thông tin mập mờ, chưa rõ ràng. Đây là vấn đề tâm lý và "cò đất" thường xuyên lợi dụng yếu tố này để dẫn dắt thị trường", ông Lân cho hay.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, tâm lý thị trường còn tác động tới giá các dự án bất động sản. Cụ thể, đối với dự án BĐS mà chủ đầu tư thỏa thuận với người dân để có quỹ đất phát triển dự án, thì chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn khi bỏ chi phí lớn hơn để có quỹ đất phát triển dự án, do yếu tố tâm lý của người dân có đất. Tuy nhiên, trường hợp tăng này chỉ áp dụng đối với các dự án sau thời điểm áp dụng Quyết định 79/2024/UBNDTP.

Dưới góc nhìn thị trường, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam nhận định, không loại trừ khả năng người sở hữu nhà đất sẽ "ăn theo" đà tăng giá của các loại hình bất động sản như chung cư, nhà phố, đất nông nghiệp, và đất nền để điều chỉnh giá bán thứ cấp, gây ra tình trạng sốt nóng cục bộ ở một số phân khúc.

Dù vậy, điều này không hoàn toàn do ý muốn chủ quan mà là do quy luật thị trường quyết định, điều cần thiết là có các biện pháp kiểm soát tình hình trên. "Chi phí chuyển đổi đất nông nghiệp lên đất thổ cư tăng cao có thể là cơ hội để các nhà đầu tư giữ quỹ đất đẩy giá lên nếu không có biện pháp kiểm soát," ông Tuấn cho hay.

Để hạn chế các hành vi "té nước theo mưa", dẫn dắt tâm lý thị trường "ăn theo" bảng giá đất mới tại TPCHM, TS Nguyễn Thanh Lân nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc truyền thông về chính sách và quy định của Luật Đất đai 2024 (phạm vi điều chỉnh và các trường hợp áp dụng bảng giá đất).

Trong đó, cần định hướng rõ ràng trong thời gian tới Bảng giá đất còn có thể được điều chỉnh tăng sát với giá thị trường (sau 01/01/2026), nhằm bảo đảm mọi người hiểu thông suốt quy định và tuân thủ quy định.

Cùng với đó, để hạn chế được tác động gánh nặng tài chính đất đai của nhóm người sử dụng đất, cơ quản lý nhà nước và UBND TP cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể đối với những nhóm người sử dụng thuộc diện được miễn/ giảm tiền thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, nhất là các huyện ven đô.

Ngay sau khi UBND TPHCM ban hành bảng giá đất mới, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có ý kiến đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành Bảng giá đất điều chỉnh để đầu cơ, “kích giá, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản.

Xem thêm video được quan tâm:

Từ vụ ông Vương Tấn Việt dùng bằng giả, ĐBQH băn khoăn ‘còn bao nhiêu tiến sĩ rởm?’ | SKĐS



Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn