Tại sao "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'?

01-02-2023 10:39 | Đời sống
google news

SKĐS - Từ xưa, dân gian vẫn lưu truyền câu nói về ngày cúng Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) rằng "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Tại sao lại như vậy?

Cúng rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.

Vì sao "cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng"

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch ("Nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm).

Cúng rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt nên ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".

Tại sao "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'? - Ảnh 1.

Với người Việt, cúng rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa).

Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lại có ý kiến cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo, vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Hoặc cũng có gia đình Việt Nam tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ. 

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường,... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Cùng với rằm tháng Giêng, còn có rằm tháng Bảy là Tết Trung Nguyên và rằm tháng Mười là Tết Hạ Nguyên là những ngày rằm quan trọng nhất của người Việt Nam.

Phong tục đẹp ngày rằm tháng Giêng của người Việt

Ngày rằm tháng Giêng, người Việt thường đi chùa lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, nhớ về nguồn cội.

Tuỳ vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi gia đình, vùng miền có mâm cỗ cúng khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều thể hiện lòng tấm lòng thành kính đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên.

Theo phong tục truyền thống trước đây vào đêm 15/1 âm lịch, nơi đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng rằm tháng Giêng. Mặc dù hiện nay đã hạn chế rất nhiều, nhưng phong tục đêm rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm chất thơ của dân tộc.

Trong tâm thức người Việt, ngày rằm tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Cúng rằm tháng Giêng 2023 giờ nào tốt?

Theo phong tục xưa truyền lại, cúng rằm tháng Giêng 2023 vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) là tốt nhất. Đây được cho là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Theo quan niệm, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.

Giờ đẹp cúng rằm tháng Giêng Quý Mão 2023 vào ngày chính Rằm 15/1: Giờ Ngọ (11h-13h); Giờ Thân (15h-17h); Giờ Dậu (17h-19h).

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng đúng ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng, gia chủ không nhất thiết phải cùng rằm tháng Giêng vào đúng ngày 15 âm lịch, có thể cúng sớm từ ngày 14 nhưng không được cúng sau. Quan trọng nhất là thành tâm. Thời gian cúng rằm tháng Giêng có thể là từ sáng sớm ngày 14/1 âm lịch đến trước 19h ngày 15/1 âm lịch.


Như Hoa (t/h)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn