Sốt xuất huyết tăng cao ở Hà Nội, làm gì để tránh biến chứng nguy hiểm?

08-08-2024 11:42 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Một trong những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao nhanh chóng. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đáng kể trong vòng vài giờ...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua tiếp tục gia tăng với việc ghi nhận thêm 171 ca bệnh (tăng 46 ca so với tuần trước đó) và 8 ổ dịch.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 7 vừa qua, bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, việc phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm để tránh biến chứng là vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa.

Khi mắc sốt xuất huyết bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Đau đầu, nhức mỏi toàn thân, chán ăn, buồn nôn. Da sung huyết, phát ban, xuất huyết: Chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết ở kết mạc mắt, xuất huyết nội tạng…

Căn cứ theo mức độ nặng nhẹ, có thể chia sốt xuất huyết Dengue làm 4 độ:

  • Độ I: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày.
  • Độ II: Triệu chứng như độ I, kèm theo xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.
  • Độ III: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hạ huyết áp; kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.
  • Độ IV: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được (HA = 0).

Trong quá trình diễn biến của bệnh, người bệnh có thể chuyển từ độ nhẹ sang độ nặng. Đặc biệt nguy hiểm khi có xuất huyết, thoát huyết tương, sốc giảm thể tích và rối loạn đông máu rất nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Trong theo dõi, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết Dengue, quan trọng là phát hiện ra những dấu hiệu nặng của bệnh để can thiệp, xử trí kịp thời.

Sốt xuất huyết tăng cao ở Hà Nội, làm gì để tránh biến chứng nguy hiểm?- Ảnh 2.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên.

Biểu hiện thường gặp của sốt xuất huyết

  • Sốt cao: Một trong những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao nhanh chóng. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đáng kể trong vòng vài giờ.
  • Đau đầu và đau mắt: Cảm giác đau đầu và đau mắt có thể xuất hiện. Đau đầu thường ở mức nặng và không giảm đi khi sử dụng thuốc thông thường.
  • Đau cơ và khớp: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau khắp cơ thể, đặc biệt khi chạm vào da.
  • Thay đổi về huyết áp và nhịp tim: Bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra sự biến đổi về huyết áp và nhịp tim. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm nếu không được quan tâm đúng cách.
  • Đau bụng và nôn mửa: Đau bụng và buồn nôn cũng có thể xuất hiện, và trong một số trường hợp, đi kèm với nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Tăng đau lưỡi và chảy máu nướu: Đây là một triệu chứng khác mà người bệnh sốt xuất huyết thường gặp.
  • Tăng cường bội phát của các triệu chứng: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày. Có thể xuất hiện các triệu chứng đặc biệt nguy hiểm.
  • Biểu hiện ngoài da và xuất huyết: Một biểu hiện cuối cùng của bệnh sốt xuất huyết là xuất huyết dưới da, chảy máu trong niêm mạc hoặc ra ngoài da.

6 dấu hiệu nguy hiểm của sốt xuất huyết cần nhập viện điều trị

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh sốt xuất huyết, hãy thăm bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị vì bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, nếu thấy có biểu hiện dưới đây cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:

  • Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo).
  • Nôn liên tục.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
  • Da xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
  • Khó thở.

Ghi nhận thực tế đã có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.

Sốt xuất huyết tăng cao ở Hà Nội, làm gì để tránh biến chứng nguy hiểm?- Ảnh 3.

Vệ sinh môi trường, phun thuốc muỗi định kỳ để phòng bệnh.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
  • Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần.
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Phòng chống muỗi đốt bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay;
  • Ngủ trong màn/mùng. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…;
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
  • Ngoài ra, cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Sốt xuất huyết: 7 lầm tưởng phổ biến và hệ quả khôn lườngSốt xuất huyết: 7 lầm tưởng phổ biến và hệ quả khôn lường

Là một quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, sốt xuất huyết rất phổ biến tại Việt Nam, tuy vậy, vẫn có không ít lầm tưởng về bệnh gây hậu quả đáng tiếc.


BS. Lê Văn Sơn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn