Ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến ngày 3/8, toàn tỉnh ghi nhận 822 ca mắc sốt xuất huyết tại tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, TP Huế là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với 550 ca bệnh, tăng hơn 10 lần so với năm 2023. Ca bệnh phân bố tại 34/36 xã, phường, hàng chục ca chưa qua 14 ngày.
Theo Trung tâm Y tế TP Huế, trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, đơn vị tổ chức 2 đợt chiến dịch thau vét bọ gậy tại tất cả các xã, phường và kết hợp với Ngày chủ nhật xanh tại địa phương để phun chủ động sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn do địa bàn trải rộng, mật độ dân cư đông, trong khi cán bộ y tế mỏng, vật tư trang thiết bị còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức thau vét bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của người dân chưa cao.
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh có xu hướng tiếp tục gia tăng.
UBND TP Huế chỉ đạo TTYT phối hợp UBND các địa phương triển khai quyết liệt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, tăng cường giám sát, phát hiện sớm bệnh, đảm bảo thuốc phương tiện điều trị để sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ công tác điều trị, hạn chế tối đa tử vong.
"Chúng tôi yêu cầu các phường, xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch, không để dịch kéo dài, lan rộng. Sẽ xử lý cương quyết đối với cá nhân, đơn vị không hợp tác trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh", ông Hạnh cho hay.
Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp do hiện nay mới chỉ bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, trong khi số ca mắc có xu hướng gia tăng mạnh từ tháng 5-11. Bên cạnh đó, việc không có các đợt không khí lạnh kéo dài như những năm trước đây, nên tình hình bệnh vẫn còn kéo dài từ cuối năm 2023 và không có khoảng trống dịch.
Ngoài ra, việc thời tiết khí hậu nóng ẩm, mưa nắng thất thường, sự giao lưu đi lại của người dân cao là những điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Để phòng chống dịch, ngành y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy.
Thường xuyên thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ. Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Khi ngủ nên thả màn, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Đặc biệt, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi có dấu hiệu bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.