Mới đây, Bộ Nội vụ thông tin, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và các địa phương trong năm 2024 là triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, dự kiến có 1.243 xã trong diện phải sắp xếp lại. Trong khi nhiều tên làng xưa cũ sẽ biến mất, những địa danh mới sẽ ra đời, khác biệt về cả quy mô và tên gọi.
Câu chuyện về tên làng, xã, nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây vì nhiều người cho rằng, làng, xã có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa người Việt. Tên làng, tên xã không chỉ là bờ đê, gốc ruộng, là những ký ức thân thương của mỗi người mà nó còn phản ánh quá trình khai phá của cha ông, hoạt động kinh tế, quá trình biến động lịch sử…
Chính vì vậy, đa số mọi người đều cho rằng, việc tìm ra một cái tên mới sau khi sáp nhập không phải là điều đơn giản.
Không nên máy móc đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ hàng nghìn năm lịch sử, hầu như mỗi làng được nhà nước phong kiến sắp đặt thành một xã, nên tên làng tồn tại cùng tên xã.
Việc đổi tên làng rất ít khi xảy ra, tên làng và tên xã trên con dấu (triện gỗ) của từng đơn vị dân cư - hành chính đó như nhau. Tên làng gắn với các đặc điểm và giá trị của làng luôn được các thế hệ dân làng biết và nhớ, ăn sâu trong tâm trí.
"Một trong những vấn đề của việc sáp nhập xã hiện nay chính là đặt tên cho xã, bởi cán bộ và nhân dân xã (cũ) nào cũng muốn giữ lại một yếu tố tên của cộng đồng mình. Nhưng nhiều trường hợp, nếu ghép một trong các yếu tố tên các xã lại với nhau thì không có ý nghĩa, thậm chí còn gây hiểu nhầm và phiền hà cho công việc hành chính. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương phải mời các nhà khoa học về tư vấn cho việc đặt tên xã sắp sáp nhập", PGS.TS Bùi Xuân Đính nói.
PGS.TS Bùi Xuân Đính đưa ra ý kiến, trường hợp ghép yếu tố tên của các xã với nhau, nếu thuận về cách gọi, phù hợp với lịch sử - truyền thống, thì sẽ cho ghép lại để đặt tên. Trường hợp ghép tên không thuận, không hay, thì lấy tên của xã có yếu tố lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng nổi bật làm tên cho xã mới.
Tên các thôn (hay tổ dân phố) của xã mới không gọi theo số thứ tự, mà vẫn giữ tên làng gốc (làng cổ truyền hay các thôn, cụm dân cư được lập sau hòa bình lập lại. Các thôn/làng lớn trước đây là một thôn, nay được nâng cấp thành xã (hay thị trấn) và lại được chia thành các thôn. Cũng bởi thế, tên của thôn cần đặt theo tên xóm cũ, không đặt theo số thứ tự.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng, không nên máy móc đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, bởi rất có thể chúng sẽ trở thành cái tên vô nghĩa.
"Đừng xem nhẹ việc đặt tên làng mà phải cân nhắc dựa trên lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh. Đặt tên làng là công trình khoa học, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà Hán Nôm học, nhà Ngôn ngữ học… Tôi nhớ năm 1975, khi sát nhập ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã lựa chọn tên Hoàng Liên Sơn. Cái tên này được đặt dựa trên dãy núi nổi tiếng nhất trong vùng. Đó là một cách đặt tên hay, tinh tế và đáng học tập", Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cũng cho biết, có 2 cách đặt tên cần cân nhắc. Thứ nhất là lấy tên cổ, thứ hai là lấy tên địa danh. Để làm được việc này, Bộ Nội vụ hoặc các tỉnh, huyện nên mời các nhà khoa học tư vấn và cùng tham gia. Nếu áp đặt thì sẽ không thành công, hoặc có thể tạo ra những tranh cãi trong dư luận.
Những địa danh lịch sử của Hà Nội có nguy cơ "biến mất" sau khi sáp nhập
Riêng Thủ đô Hà Nội, đến ngày 1/4 vừa qua, Hà Nội có 11 quận, huyện, thị xã công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025 để lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, quận Hai Bà Trưng sắp xếp 7 phường thành bốn: Nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân. Tại quận Thanh Xuân, Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình.....
Huyện Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính khi nhập 14 thành 5 xã. Cụ thể, nhập xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn thành Hoa Viên; nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa; nhập xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập xã Trầm Lộng, Hòa Lâm thành xã Trầm Lộng…
Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn, nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến đưa ra quan điểm: "Việc sáp nhập theo tiêu chí về diện tích và dân số, theo quan điểm của tôi là không cần thiết. Trong khi đó, không ít cái tên mới làm mất cái hay, nét đặc trưng của địa phương. Chưa nói đến việc chúng không mang lại cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với lịch sử".
Ông Nguyễn Ngọc Tiến còn cho rằng, tên xã, phường không đơn thuần chỉ là những chữ cái được ghi trên giấy, nó tạo nên những xáo trộn lớn trong căn cước, sinh hoạt, tiềm thức con người.... Một đời người chỉ có một quê, nay tên này mai tên khác thì rất đáng buồn…
Là một người yêu Hà Nội và từng đi qua chiến tranh, ông Nguyễn Ngọc Tiến cũng không khỏi xót xa khi nhiều địa danh lịch sử đang đứng trước nguy cơ "biến mất".
"Cả Bạch Mai và Quỳnh Lôi đều là hai tên làng rất cổ xưa của Hà Nội, xóa bỏ một trong hai đều là tiếc nuối lớn đối với người dân Thủ đô. Trong khi đó, nhắc tới tới Hòa Xá (Ứng Hòa) là nhắc tới hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn - một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước, khát khao giành độc lập và thống nhất đất nước. Ngày nay, Hòa Xá nói chung và Bảo tàng Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn trở thành điểm du lịch của huyện Ứng Hòa.
Trong khi đó, Hà Hồi (Thường Tín) nhắc lại chiến thắng lịch sử trong chiến dịch đại phá quân Thanh vào đúng đêm Mồng Ba Tết của đoàn quân của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Những địa danh ấy đều đang đứng trước nguy cơ biến mất…", nhà văn, nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến ngậm ngùi chia sẻ.