Giải thể, sát nhập các quỹ trùng lắp, không hiệu quả

29-05-2016 17:53 | Xã hội

SKĐS - Hiện nay, có rất quỹ do nhà nước thành lập hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn đóng góp từ người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng nước ta đang loạn các loại quỹ, loạn các loại đóng góp. Việc thành lập quá nhiều quỹ có nguồn gốc từ NSNN gây ra nhiều khó khăn, bất cập trong huy động vốn, quản lý và sử dụng quỹ. Ngoài ra, có nhiều loại quỹ cũng sẽ tạo ra gánh nặng cho NSNN, đóng góp của người dân. Chúng ta có thể điểm qua những hạn chế, tồn tại do quá nhiều quỹ gây ra sau đây:

Thứ nhất, việc thành lập các quỹ đương nhiên phải kèm theo tổ chức bộ máy, nhân sự. Trong khi chúng ta đang ra sức tinh giản biên chế, bộ máy tổ chức thì việc có nhiều quỹ đã góp phần làm cho bộ máy càng phình to.

Thứ hai, nhiều quỹ có mục tiêu, nguồn thu, nhiệm vụ tương tự với các quỹ ngoài NSNN nên dẫn đến chồng chéo, trùng lắp. Có một thực tế là khi thành lập các quỹ đều đưa ra mục tiêu thu hút, huy động vốn xã hội hóa nhưng chưa bao giờ đạt được mục tiêu và gần như 100% vốn của các quỹ chủ yếu sử dụng NSNN để hoạt động. Việc huy động nguồn lực đóng góp ngoài ngân sách rất hạn chế, đặc biệt là hiện nay nước ta đã đạt chuẩn thu nhập trung bình của thế giới nên các nguồn tài trợ nước ngoài, phi chính phủ đều bị cắt.

Thứ ba, rất nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; bộ máy quản lý yếu kém, sử dụng kinh phí sai quy định, gây thất thoát, lãng phí cho NSNN. Minh chứng là rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn do các quỹ gây ra, nhất là ở khâu quản lý, sử dụng quỹ.

Thứ tư, việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các quỹ này cũng như năng lực, trình độ cán bộ quản lý quỹ còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hệ thống pháp luật quy định về điều kiện hình thành, phương thức quản lý và sử dụng các quỹ tài chính từ NSNN chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Thông thường mỗi quỹ đều có một văn bản pháp luật quy định về việc thành lập, quản lý, sử dụng và nhân sự… trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các quỹ.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các quỹ sử dụng NSNN để có phương án giải thể, sát nhập các quỹ không cần thiết, chồng chéo, trùng lắp và hoạt động kém hiệu quả. Điều này góp phần tinh gọn bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ cũng như quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ NSNN, nguồn đóng góp của người dân./.

Vĩnh Linh


Ý kiến của bạn