Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 867.221 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.807 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 862.531 ca, trong đó có 790.163 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.
+ Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (418.692), Bình Dương (225.853), Đồng Nai (59.015), Long An (33.806), Tiền Giang (15.105).
Tình hình điều trj bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18/10 là 1.136 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 792.980
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.543 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.358
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 509
- Thở máy không xâm lấn: 121
- Thở máy xâm lấn: 534
- ECMO: 21
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 86 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.269 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 107.224 xét nghiệm cho 202.147 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.938.514 mẫu cho 57.727.568 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 63.434.180 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 45.281.937 liều, tiêm mũi 2 là 18.152.243 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 241.795.950 ca, trong đó có 4.918.900 người tử vong.
Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới ca nhất thế giới với trên 49.000 trường hợp. Trong khi, Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 998 ca.
Các nước cũng ghi nhận trên 219 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 18/10, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Sau 2 tuần mở cửa, TP HCM chưa ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng
Tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vào chiều 18/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM cho rằng, những ngày qua, số bệnh nhân nặng đang thở máy có xu hướng giảm rõ rệt (ngày 14/10 có 458 ca, ngày 15/10 có 443 ca, ngày 16/10 có 430 ca và ngày 17/10 có 404 ca); đồng thời số ca nhập viện ngày càng giảm và thấp hơn số ca xuất viện.
Thông tin tại cuộc họp báo cũng cho biết, sau 2 tuần mở cửa, Thành phố chưa ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng. Các trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận là ổ dịch trong hộ gia đình. Theo đó, nếu F0 lây cho người cùng hộ gia đình thì không gọi là ổ dịch trong cộng đồng.
Về tiến độ thu hẹp bệnh viện dã chiến, thông tin tại cuộc họp cho biết, ngày 8/10, Sở Y tế có tờ trình UBND TP HCM về lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến giai đoạn sau ngày 1/10; trong đó có việc cho phép tiếp nhận và triển khai mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng.
Ngày 15/10, BV Đại học Y Dược TP HCM đã tiếp nhận Trung tâm hồi sức của BV Việt Đức; BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc BV Bạch Mai. Dự kiến cuối năm 2021, BV Nhân dân 115 tiếp nhận Trung tâm hồi sức BV TW Huế.
Ngoài ra, TP HCM cũng đang có lộ trình ngưng các bệnh viện dã chiến cấp thành phố. Cụ thể, đến ngày 31/10 sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện, gồm BV dã chiến Củ Chi cơ sở 2, 3 và BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, số 7, số 9.
Đến ngày 30/11, TP HCM sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, số 4, số 10, số 11 và số 12. Đến cuối tháng 12/2021, Thành phố sẽ ngưng hoạt động BV dã chiến Củ Chi cơ sở 1; BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, số 5, số 6 và số 8.
Hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT sau giai đoạn giãn cách xã hội
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế( BHYT) sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.
Công văn nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, quản lý hiệu quả dịch COVID-19". Để phù hợp với quy định mới này, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thực hiện một số nội dung, cụ thể:
BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế tổ chức thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT căn cứ theo cấp độ dịch bệnh được xác định tại địa phương, biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch bệnh.
Tạm dừng thực hiện nội dung tại điểm a, khoản 2 Công văn số 2259 về việc người bệnh BHYT ở địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh thuận lợi nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Tiếp tục phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hướng dẫn về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tại các Công văn: Công văn số 6373, Công văn số 3100, Công văn số 5028, Công văn số 2172 và các hướng dẫn khác khi chưa có quy định thay thế.
Phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Lưu ý về các trường hợp người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm COVID-19; thực hiện phục hồi chức năng các di chứng về vận động, hô hấp... sau điều trị bệnh COVID-19.
BHXH các tỉnh có trách nhiệm thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.