PV: Thưa GS.TS Phạm Như Hiệp, BV Trung ương Huế đã tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại TP HCM trong đợt dịch thứ 4 vừa qua. Bệnh viện đã triển khai công tác này như thế nào?
GS.TS Phạm Như Hiệp: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, BV Trung ương Huế đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế ở TP HCM với quy mô 500 giường. Đây là mô hình điều trị tầng 3 và là tầng cao nhất trong điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Mô hình này đã thể hiện rõ sự ưu việt trong tổ chức hệ thống, bộ máy phòng chống dịch tại TP HCM và có thể áp dụng cho địa phương khác.
Với sự hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất và điều động thêm nhân lực từ cơ sở y tế khác của Bộ Y tế, của UBND TP HCM và của các nhà tài trợ, tại Trung tâm ICU người bệnh COVID-19 BV Trung ương Huế đã tiếp nhận điều trị rất nhiều các bệnh nhân nặng từ tuyến 2 của các bệnh viện của TP HCM đến điều trị và hồi sức, đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.
Chúng tôi ước tính Trung tâm ICU người bệnh COVID-19 của BV Trung ương Huế đã tiếp nhận điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân, trong đó khoảng hơn 90% là bệnh nhân nặng, rất nặng, có bệnh nền, cao tuổi… phải thở máy, lọc máu liên tục.
BV Trung ương Huế đã trải qua các đợt dịch thứ 1 điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thừa Thiên- Huế và khu vực miền Trung, đợt thứ 2 điều trị bệnh nhân của Đà Nẵng, đợt dịch thứ 3 tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đợt dịch thứ 4 này tại TP HCM.
Tất cả các đợt dịch này, BV Trung ương Huế đều tham gia công tác phòng chống dịch cũng như hỗ trợ các tỉnh trong phòng chống dịch.
Khi thiết lập Trung tâm ICU tại TP HCM, BV Trung ương Huế đã điều động các chuyên gia hồi sức giỏi, các chuyên gia về phòng chống nhiễm khuẩn và các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị trên nhiều lĩnh vực đi tham gia 3 đợt dịch trước đó vào TPHCM cùng tham gia phòng chống dịch nên hiệu quả điều trị rất cao.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và theo đề nghị của TP HCM và Sở Y tế TP HCM, nhân lực của BV Trung ương Huế sẽ ở lại TPHCM đến cuối năm 2021 để cùng ngành y tế thành phố phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.
PV: Để làm tốt công tác phòng chống, dịch COVID-19 tại TPHCM trong tình hình mới, BV Trung ương Huế chuẩn bị về nhân sự, trang thiết bị và hậu cần ra sao, thưa GS?
GS.TS Phạm Như Hiệp: Để phục vụ công tác phòng chống dịch trong giai đoạn mới, BV Trung ương Huế đã thực hiện phương án giữ lại những nhân lực chủ chốt, đồng thời chuyển đổi nhân lực đã làm việc tại Trung tâm thời gian qua bằng nhân lực từ BV Trung ương Huế vào để đảm bảo sức chiến đấu cũng như năng lượng làm việc năng động của nhân lực y tế (đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ).
Trung tâm đã được sự hỗ trợ rất nhiều về trang thiết bị hiện đại từ Bộ Y tế như máy lọc máu liên tục, máy thở, máy ECMO… Trung tâm đã sử dụng các trang thiết bị này vào điều trị bệnh nhân từ rất sớm, giúp mang lại hiệu quả trong điều trị, cứu sống bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của BV Trung ương Huế đã tăng cường phối hợp với các bệnh viện tuyến quận, huyện và tuyến thành phố của TP HCM để đảm bảo công tác phối hợp điều trị cũng như chuyển tuyến các bệnh nhân nặng lên Trung tâm ICU BV Trung ương Huế.
PV: Được biết, từ nay việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP HCM sẽ do 3 BV tuyến Trung ương đảm trách là BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy và BV ĐH Y Dược TP HCM. Vậy 3 BV này đã có kế hoạch phối hợp ra sao, thưa GS?
GS.TS Phạm Như Hiệp: 3 BV đã lên kế hoạch phối hợp với nhau chặt chẽ về chuyên môn và tổ chức. Chúng tôi đã lên kế hoạch san sẻ nguồn lực, đặc biệt trong việc xét nghiệm chuyên sâu, nếu 1 số xét nghiệm tại Trung tâm ICU của BV Trung ương Huế chưa làm được thì chúng tôi thống nhất chuyển sang BV Chợ Rẫy hoặc BV ĐH Y Dược TP HCM để thực hiện.
Đồng thời chúng tôi thiết lập nhóm hội chẩn giữa các chuyên gia của 3 bệnh viện đối với các bệnh nặng để phối hợp phương án điều trị nhanh nhất, tốt nhất cho bệnh nhân.
Cùng đó, một kênh phối hợp giữa lãnh đạo 3 BV cũng đã được thiết lập để kịp thời hỗ trợ, trao đổi và thống nhất các công việc liên quan đến chống dịch.
Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này cả 3 Trung tâm ICU của 3 BV (Trung ương Huế, Chợ Rẫy và ĐH Y Dược TP HCM) đủ sức cáng đáng công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM từ nay đến cuối năm thậm chí sang đầu năm 2022.
Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến 2 của TP HCM. 3 Trung tâm ICU này sẽ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới về phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!