Rượu có methanol là nguyên nhân của gần 50% vụ ngộ độc rượu

10-04-2017 16:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phát biểu tại hội thảo "Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, rượu có hàm lượng methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí gây chết “tức tưởi”

 

Báo cáo của Bộ Y tế ở hội thảo "Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội cho thấy, từ năm 2007 -2017, cả nước có 58 vụ ngộ độc lớn khiến 382 người bị ngộ độc, 98 người tử vong. Theo đó, ngộ độc rượu trắng là 12 vụ, rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18 vụ và các vụ khác do rượu ngâm các loại củ, rễ cây…

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có 1 vụ ngộ độc lớn là tại Phong Thổ (Lai Châu) vào ngày 13.2,  khiến gần 70 người mắc, 10 người tử vong và chùm rải rác ở Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay khiến 34 người mắc, 9 người tử vong, 1 người mù và nhiều người bị di chứng. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 33 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol; trong đó 9 người tử vong (gồm xin về và chết tại viện). Theo các bác sĩ, trước đây vẫn ghi nhận rải ra những ca ngộ độc nhưng gần đây có xu hướng gia tăng. Ngày nào Trung tâm cũng có ít nhất 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện; có đợt cùng lúc 7 sinh viên cùng nhâp viện. Nhiều trường hợp may mắn thoát chết thì cũng để lại di chứng nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho hay, có hai loại ngộ độc rượu thường gặp, đó là ngộ độc ethanol (còn gọi là rượu Etylic) và ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Với ngộ độc ethanol ở dạng cấp tính, ban đầu người bệnh có dấu hiệu kích thích (như: Cảm giác sảng khoái, nói nhiều…), đền giai đoạn ức chế có biểu hiện mất tập trung. Còn ở dạng mạn tính là do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, đi ngoài do tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hoá gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.

Với ngộ độc methanol, cồn là chất độc cực mạnh, chỉ cần uống phải từ 5-15ml chất cồn có thể gây ngộ độc nặng; 15ml trở lên là gây mù loà và 30ml có thể gây tử vong.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, rượu có hàm lượng methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí gây chết “tức tưởi”. Rất đau lòng khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong, tàn phế dù đã huy động mọi phương tiện, thuốc men sức cứu chữa.

Cơ quan chức năng kiểm tra rượu trên địa bàn Hà Nội

Thế nhưng ý kiến từ cơ quan y tế cho rằng, xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thường cao gấp nhiều lần so với mức cho phép, cho thấy rượu uống vào đã được pha chế  từ cồn công nghiệp methanol. Việc này có nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa kiểm soát được chất lượng rượu. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đặt vấn đề, chúng ta không thể cấm uống rượu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý và sử dụng rượu như thế nào?

Thời gian qua trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ ngộ độc, đặc biệt sử dụng rượu methanol gây hậu quả nghiêm trọng, có nơi chết hàng chục người nhưng xác định người đứng ra chịu trách nhiệm rất khó. Chính vì thế theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng. Ngay cả trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong thời gian qua nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa rõ. Ngành Y tế, NN& PTNT hay Công Thương, Công an phải chịu trách nhiệm chính, cần phân định rõ ràng hơn.

Nạn nhân ngộ độc rượu có methanol đang điều trị tích cực tại Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai

Đề cập đến vấn đề quản lý rượu, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, Chính phủ đã có nghị định quy định rất rõ ràng. Bộ Công Thương cũng đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện, quy định rõ. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol rất cao. Vì vậy, ngoài việc siết chặt các biện pháp quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, còn tăng cường khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.

 

Tham luận tại hội thảo, BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, tiêu thụ rượu bia ở nước ta ở mức cao và gia tăng nhanh. Theo nghiên cứu, 77% nam giới hiện uống rượu bia và 44% nam giới uống ở mức nguy hại. Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay rượu mà phụ thuộc vào lượng uống và cách thức uống. Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, uống ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư. Tác hại nhìn thấy của rượu bia được đề cập thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Chúng ta cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, trong đó tập trung vào kiểm soát quảng cáo rượu, bia, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả. Mặt khác, quy định về điểm bán, giờ bán, quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công, kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em, phòng chống uống rượu bia khi lái xe…”, BS Trần Quốc Bảo đề xuất.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn