Sau khi mua rượu trắng về nhà uống, thầy giáo 33 tuổi người Bỉ có biểu hiện mờ mắt, đau bụng. Sau gần 2 tuần điều trị, đến nay mắt anh vẫn chưa thể nhìn thấy gì.
Anh M. (33 tuổi) là giáo viên tiếng Anh, hiện đang sống tại phố Pháo Đài Láng- Quận Đống Đa, Hà Nội. Anh M. kết hôn với cô gái Việt làm kết toán hơn 1 năm nay, hiện vợ đang có bầu 7 tháng. Những ngày đầu, vợ anh túc trực bên chồng. Khi chị trở lại công việc, mẹ chị từ Thanh Hoá ra chăm con rể tại khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai. Bác Bình (mẹ vợ anh M.) cho biết, ngày 3/3 vừa qua, trong bữa cơm tối, anh M. có uống một chút rượu trắng mua trên phố Pháo Đài Láng, Đống Đa.
Đến ngày 5/3, anh M. thấy mắt hơi mờ và khó chịu, ngoài ra không có biểu hiện gì thêm. Sau đó 1 ngày, tình trạng mờ tăng lên, anh được vợ đưa vào Bệnh viện Mắt TƯ khám, cho uống thuốc nhưng không đỡ. Ngày 7/3, khi thấy chồng có biểu hiện đau bụng, vợ đã chuyển anh vào BV Bạch Mai cấp cứu.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh M. được xác định ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) mức độ nặng. Nồng độ methanol trong máu lên tới 77mg/dl, trong khi thông thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh. 1 tuần nay, anh M. được chuyển sang khoa Mắt để tiếp tục điều trị và theo dõi. Theo lời bác Bình, hiện 2 mắt của anh M. vẫn chưa có phản xạ với ánh sáng, ngay cả khi soi thẳng đèn pin vào mắt. Bác sĩ nói sẽ theo dõi trong khoảng 10 ngày.
Thầy giáo M. đang điều trị tại khoa Mắt- Bệnh viện Bạch Mai
Theo các bác sĩ, khi bị ngộ độc methanol, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói và có các biểu hiện thần kinh như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật và kèm theo các triệu chứng về mắt như nhìn không rõ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử…
Do đó, methanol cần được thải lọc càng sớm càng tốt để giảm tác hại đến cho cơ thể, đặc biệt là nguy cơ gây độc thần kinh, gây giảm thị lực, thậm chí mù không hồi phục. Đáng tiếc, hầu hết các bệnh nhân ngộ độc methanol đều nhập viện trễ, việc cứu chữa hết sức hạn chế. Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị gác, hoại tử não, tổn thương nội tạng...
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 22/2 – 14/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 25 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó đã có 3 bệnh nhân tử vong. Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca)…Trước tình trạng ngộ độc rượu methanol tăng cao, thành phố Hà Nội đã lập 700 đoàn thanh tra liên ngành, đồng loạt ra quân truy tìm rượu giả từ đầu tháng 3, đợt ra quân này sẽ kéo dài đến giữa tháng 4/2017. Đến nay các đoàn kiểm tra đã kiểm tra hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu huỷ hơn 2.200 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền phạt gần 700 triệu đồng.