Ra khí hư màu vàng khi mang thai có nguy hiểm?

06-08-2024 15:20 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Khi mang thai, khí hư có thể thay đổi về thể tích, kết cấu và màu sắc. Một số thay đổi không có gì bất thường nhưng có trường hợp lại là dấu hiệu nhiễm trùng.

1. Vì sao phụ nữ mang thai ra nhiều khí hư?

Việc tiết dịch âm đạo (khí hư) nhiều hơn khi mang thai là điều bình thường. Điều này giúp ngăn ngừa bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào di chuyển từ âm đạo đến tử cung. Càng về cuối thai kỳ, lượng dịch tiết ra càng tăng. Dịch tiết âm đạo bình thường thường không có mùi hoặc có mùi nhẹ và thường loãng và trong.

Ra khí hư màu vàng khi mang thai có nguy hiểm?- Ảnh 1.

Bà bầu ra nhiều khí hư là điều bình thường nhưng ra nhiều khí hư màu vàng có thể là những triệu chứng của các tình trạng bệnh cần được khám và điều trị.

Dịch tiết âm đạo lên xuống trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ do sự dao động của nồng độ hormone. Khi mang thai, hormone tiếp tục đóng vai trò trong việc thay đổi dịch tiết âm đạo.

Những thay đổi ở cổ tử cung khi mang thai cũng ảnh hưởng đến dịch tiết âm đạo. Khi cổ tử cung và thành âm đạo mềm đi, cơ thể sẽ tiết ra nhiều chất dịch để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Đầu của em bé cũng có thể ấn vào cổ tử cung khi gần cuối thai kỳ, điều này thường dẫn đến tiết dịch âm đạo nhiều hơn.

Tuy nhiên, khí hư màu vàng thường là triệu chứng của nhiễm trùng tiềm ẩn. Nếu không điều trị, những bệnh nhiễm trùng này có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, vì vậy bà bầu nên đi khám càng sớm càng tốt.

2. Các tình trạng bệnh khi phụ nữ mang thai ra khí hư màu vàng

Viêm âm đạo do vi khuẩn

Quá nhiều một loại vi khuẩn nhất định trong âm đạo sẽ dẫn đến mất cân bằng và dễ viêm âm đạo do vi khuẩn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chỉ ra rằng căn bệnh này thường ảnh hưởng đến những người có quan hệ tình dục.

Mặc dù nhiều phụ nữ không có triệu chứng nhưng có thể gặp phải:

  • Dịch tiết âm đạo có thể có màu vàng.
  • Khó chịu ở âm đạo.
  • Ngứa trong và xung quanh âm đạo.
  • Âm đạo có mùi khó chịu, đặc biệt là sau khi quan hệ.
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Theo các chuyên gia sản – phụ khoa, nếu phụ nữ đang mang thai và mắc bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn có nguy cơ cao dẫn đến sinh non, vỡ ối sớm, viêm màng ối, viêm ối, cân nặng khi sinh thấp (dưới 2,2kg), viêm nội mạc tử cung.

Nhiễm nấm candida âm đạo

Ra khí hư màu vàng khi mang thai có nguy hiểm?- Ảnh 3.

Khí hư màu vàng có thể do nhiễm nấm candida âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo hay còn gọi là nhiễm nấm candida âm đạo là một bệnh nhiễm nấm. Việc mang thai có thể phá vỡ sự cân bằng độ pH của âm đạo, khiến tình trạng nhiễm trùng nấm men trở nên phổ biến khi mang thai.

Nếu bị nhiễm nấm âm đạo, một số triệu chứng có thể gặp như dịch đặc không mùi giống như phô mai trắng hoặc hơi vàng, ngứa trong và xung quanh âm đạo, có cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục, sưng, tấy đỏ âm hộ.

Theo nghiên cứu năm 2015 chỉ ra rằng, mặc dù bằng chứng chưa đầy đủ nhưng bệnh nấm candida trong thai kỳ có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như vỡ ối sớm, sinh non, viêm màng ối, bệnh nấm candida ở da bẩm sinh, một tình trạng hiếm gặp đặc trưng bởi phát ban da.

Nếu phụ nữ đang mang thai, hãy đi khám và nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn thay thế an toàn để điều trị nhiễm trùng nấm men. Bà bầu nên tránh một số loại thuốc chống nấm như fluconazole (Diflucan) để không ảnh hưởng đến thai nhi.

Chlamydia

Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến do vi khuẩn có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh.

Hầu hết người mắc bệnh đều không có triệu chứng của bệnh chlamydia và không biết rằng họ mắc bệnh này. Những phụ nữ có triệu chứng có thể gặp:

  • Dịch tiết âm đạo không điển hình, thường có màu vàng, có mùi nồng.
  • Khó chịu khi đi tiểu.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
  • Khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Khó chịu ở vùng bụng dưới.

Theo các chuyên gia sản - phụ khoa, nhiễm trùng chlamydia không được điều trị có liên quan đến các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như vỡ ối sớm, sinh non, cân nặng khi sinh thấp…

Nhiễm trùng cũng có thể lây truyền trong quá trình sinh nở, dễ dẫn đến nhiễm trùng phổi và mắt.

Bệnh lậu

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến được điều trị bằng kháng sinh. Các chủng bệnh lậu kháng thuốc ngày càng gia tăng nên việc chữa trị ngày càng khó khăn.

Mặc dù hầu hết bệnh lậu không có triệu chứng nhưng những người mắc bệnh có thể gặp phải:

  • Tăng tiết dịch âm đạo, thường có màu vàng.
  • Khó chịu khi đi tiểu.
  • Khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Khó chịu ở bụng.

Nhiễm trùng lậu cầu không được điều trị trong thai kỳ có liên quan đến sảy thai, vỡ ối sớm, viêm màng ối, sinh non, cân nặng khi sinh thấp… Bệnh lậu cũng có thể lây truyền qua đường sinh nở. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nếu không được điều trị.

Trichomonas

Nhiễm ký sinh trùng đơn bào (Trichomonas vagis) gây ra bệnh trichomonas – bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến.

Nếu mắc trichomonas, các triệu chứng bao gồm:

  • Tăng tiết dịch âm đạo, thường có màu vàng và có mùi khó chịu.
  • Khó chịu khi đi tiểu.
  • Khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Bộ phận sinh dục tấy đỏ.
  • Đau nhức và ngứa bộ phận sinh dục.

Nếu mắc bệnh trichomonas khi đang mang thai, sẽ có nhiều khả năng sinh non, sinh con nhẹ cân.

Ra khí hư khi mang thai là hiện tượng bình thường nhưng mẹ bầu vẫn phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc vệ sinh vùng kín sạch sẽ đúng cách và thường xuyên để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, nếu mẹ bầu ra khí hư có màu sắc bất thường như màu vàng cần được đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Mẹ bầu cần biết Mẹ bầu cần biết 'chìa khóa' giúp thai kỳ khỏe mạnh

SKĐS - Dinh dưỡng không tốt có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe phụ nữ mang thai. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa chế độ ăn uống kém và tình trạng chậm phát triển của thai nhi, thậm chí liên quan đến hành vi, cảm xúc của trẻ sau này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sớm ít có nguy cơ sinh non.


NHS. Đỗ Thanh Huyền
Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn