Vẫn có nhiều người bệnh quên, tự ý ngưng và đổi thuốc điều trị tăng huyết áp
Bệnh nhân H.T.B 62 tuổi ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội phát hiện tăng huyết áp trong lần đi khám sức khỏe khoảng gần 1 năm trước. Do bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Giao thông vận tải nên bà theo dõi điều trị tăng huyết áp tại đây.
Thời gian đầu bà luôn tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ cùng với chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao tùy theo tình hình sức khoẻ. Huyết áp của bà sau đó ổn định, nhưng vì thế mà bà chủ quan!… Hai tháng gần đây bà tự ý uống thêm thuốc nam, cùng đó không ít lần bà "quên" uống thuốc theo đơn. Cá biệt tháng trước bà đã "quên" uống thuốc 1 tuần liền vì "tôi uống thuốc nam cho lành".
Lần tái khám tháng trước đó, kết cho thấy huyết áp của bà đã tăng vọt lên 150. Khi bác sĩ gặng hỏi bà mới cho hay mình "quên" uống thuốc.
"Sau khi bác sĩ phân tích về những nguy cơ của việc quên uống thuốc tăng huyết áp kèm lời dặn cần tuân thủ chỉ định uống thuốc nghiêm ngặt, việc quên hoặc ngưng thuốc có thể làm tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột dẫn đến đột quỵ khiến tôi "tỉnh" ra"- bệnh nhân H.T.B kể lại và cho biết thêm về nhà bà cũng bỏ luôn mấy gói thuốc nam đang uống dở!
Trường hợp của bệnh nhân B. không phải là cá biệt, ThS.BS Đoàn Thị Tuyết – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Giao thông vận tải cho biết, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân tăng huyết áp "còn nhiều vấn đề"! Ví như các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận không ít bệnh nhân thường xuyên quên uống thuốc, có trường hợp tự ý ngừng uống thuốc rồi có người bệnh tự đổi sang thuốc khác.
Biến chứng nghiêm trọng của "kẻ giết người thầm lặng"
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải: "Mặc dù y học đang tiến bộ vượt bậc nhưng bệnh tăng huyết áp vẫn là gánh nặng khổng lồ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Không chỉ bởi sự gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân hàng năm mà cả những biến chứng nặng nề mà bệnh nhân có thể mắc phải".
Theo thống kê của Viện Tim Mạch Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành chiếm 25%, tức là cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Điều đáng lo ngại là khoảng 50% số người tăng huyết áp mà không biết bị bệnh này và số người bệnh được kiểm soát (điều trị, thay đổi lối sống) tốt huyết áp cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
Tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì dù thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể nhưng lại dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Thế nhưng theo một phân tích gồm 95 nghiên cứu cho thấy có tới 50% bệnh nhân tăng huyết áp bỏ điều trị sau 1 năm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, dẫn tới hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Y bác sĩ nỗ lực giúp người bệnh tăng huyết áp tuân thủ điều trị
Bệnh viện Giao thông vận tải hiện đang quản lý khoảng 7.000 hồ sơ của người bệnh tăng huyết áp khám và theo dõi định kỳ, trong đó đa phần là người cao tuổi đã nghỉ hưu.
"Chúng tôi đã thiết lập hồ sơ quản lý theo dõi tại bệnh viện, ngoài ra mỗi bệnh nhân còn có một sổ khám, hướng dẫn cơ bản để bệnh nhân tăng hiểu biết về bệnh. Sổ cũng lưu lại các thông tin về chỉ số đo huyết áp của bệnh nhân qua các lần khám định kỳ, các đơn thuốc bác sĩ đã kê, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hẹn tái khám…"- ThS.BS Đoàn Thị Tuyết cho hay.
ThS.BS Phạm Thị Phương – Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Giao thông vận tải chia sẻ thêm, "ngoài hồ sơ theo dõi sức khỏe ngoại trú là cuốn sổ trên", các nhân viên y tế tại đây còn thường xuyên truyền thông về phòng chống biến chứng của tăng huyết áp để người bệnh hiểu hơn về bệnh, từ đó tuân thủ điều trị; đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cài đặt ứng dụng Elfie – Ứng dụng miễn phí giúp mỗi người tự kiểm soát huyết áp vào điện thoại.
"Ứng dụng hướng dẫn, nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, không quên thuốc, đồng thời giúp bệnh nhân theo dõi, lưu trữ chỉ số huyết áp đo và uống thuốc đều đặn. Từ đó gián tiếp giúp bác sĩ kiểm soát huyết áp toàn diện cho bệnh nhân. Hiện khoảng hơn 70% người bệnh theo dõi tại Bệnh viện Giao thông vận tải đã cài ứng dụng này. Số còn lại có thể do chưa dùng điện thoại thông tin, hoặc ngoài 80 tuổi…"- ThS.BS Phạm Thị Phương cho biết.
Với mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị, phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cùng với dự án Ngày Đầu Tiên tiếp tục phát động chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện với thông điệp: "Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc chuẩn 3Đ: Đúng thuốc, Đủ liều, Đều mỗi ngày".
Chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện diễn ra từ ngày 8/5 - 30/6/2023 với việc triển khai mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện tại 5 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Nông nghiệp.
Chương trình cũng triển khai trên toàn quốc các hoạt động tư vấn hỗ trợ bệnh nhân nâng cao chất lượng quản lý tăng huyết áp từ khâu chẩn đoán, điều trị cho đến tuân thủ điều trị với sự tư vấn tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cùng với các công cụ giúp kiểm soát tốt bệnh - Ngày đầu tiên và ứng dụng Elfie.