Ngay sau đó, được biết, ông Trump đã điện đàm với Quốc vương Salman của Arab Saudi thúc giục các nước vùng Vịnh đoàn kết trong bối cảnh căng thẳng leo thang về cáo buộc Qatar ủng hộ chiến binh Hồi giáo cực đoan. Một quan chức Mỹ nói với Reuters: "Thông điệp của ông Trump là khu vực vùng Vịnh cần đoàn kết để chống lại hệ tư tưởng cực đoan và việc tài trợ cho khủng bố".
Trước đó, trong bài diễn văn đọc ở Riyadh, Arab Saudi hôm 21/5 trong chuyến thăm của mình tới các nước Arab, ông Trump từng thẳng thắn nói rằng: "Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố”. Cũng trong bài diễn văn này, ông Trump lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, được xem là khuyến khích các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.
Các chuyến bay của hàng không Qatar Airways đã bị hạn chế
Hiện tại, có sáu nước Arab trong đó có Arab Saudi và Ai Cập đang cắt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này làm mất ổn định khu vực. Arab, Bahrain, và UAE còn ra lệnh cho công dân Qatar phải ra đi trong vòng hai tuần, đồng thời cắt đứt mọi tuyến đường giao thông với Qatar bằng cách rút giấy phép hàng không Qatar Airways, ra lệnh các văn phòng phải đóng cửa trong 48 tiếng.
Qatar gọi quyết định trên là "không thỏa đáng" và "không có căn cứ trên thực tế". Hiện Kuwait đã đề nghị làm trung gian đàm phán, còn Qatar nói họ sẽ hoan nghênh đối thoại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ngỏ lời đề nghị giúp đỡ và nói rằng việc cô lập cũng như trừng phạt Qatar sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng.
Tình trạng tại vùng Vịnh ảnh hưởng đến giá dầu, tác động đến hàng không và vận chuyển, khiến các siêu thị ở Qatar rơi vào tình trạng thiếu hàng hóa.