Hà Nội

Vùng Vịnh dùng “cà rốt” để yên dân

01-03-2012 10:03 | Quốc tế
google news

Một năm sau khi phong trào Mùa xuân Arập bắt đầu nổi dậy, các nước vùng Vịnh vẫn tỏ ra cảnh giác. Các quốc gia vùng Vịnh gia tăng phúc lợi xã hội để tránh Mùa xuân Arập.

Một năm sau khi phong trào Mùa xuân Arập bắt đầu nổi dậy, các nước vùng Vịnh vẫn tỏ ra cảnh giác. Các quốc gia vùng Vịnh gia tăng phúc lợi xã hội để tránh Mùa xuân Arập.

Không còn việc vung tay quá trán những món tiền khổng lồ, có nguy cơ làm cho dân chúng nổi giận. Abu Dhabi nay ngần ngại trước việc mua về câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Manchester City. Dubai cũng do dự chưa muốn lao vào xây dựng những hòn đảo nhân tạo, còn Qatar thì chùn tay trước dự định đầu tư vào nhãn hiệu xe hơi sang trọng Porsche. Tất cả những quốc gia trên đều nỗ lực giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, trong khi mắt dán chặt vào giá dầu thô trên thị trường vì chi tiêu công bùng nổ.

 Lương công chức các ngành tư pháp, y tế và giáo dục đa tăng từ 35% - 100%.
Tại Arập Xêút, đất nước quan trọng trong khu vực với 27 triệu dân và sản lượng dầu kỷ lục, chính quyền đã hành động ngay từ đầu năm 2011 vì tình hình là khẩn cấp. Ryad đã bổ sung thêm 130 tỉ USD nữa cho giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội, trong khi ngân sách ban đầu là 155 tỉ USD.

Arập Xêút quyết định cho xây thêm nửa triệu nhà ở xã hội và cho tăng lương, tuyển thêm 60.000 công chức cho Bộ Nội vụ. Còn ngân sách cho năm 2012 thì đạt mức kỷ lục, trong đó giáo dục và y tế luôn được ưu tiên. Chính phủ trợ cấp cho những người thất nghiệp - tỉ lệ chính thức là 10%, nhưng đối với thanh niên thì lên đến từ 30 - 40%, còn các công ty ngoại quốc buộc phải áp dụng quota tuyển dụng lao động trong nước.

Nếu Oman thành công trong việc tái lập yên bình với việc tăng lương và tuyển dụng thêm công chức thì ở Bahrein lại khác. Một nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhận định: “Cho dù đã tăng lương 30%, sự căng thẳng vẫn âm ỉ sau các cuộc nổi dậy đã bị dập tắt nhờ sự hỗ trợ của Arập Xêút. Không biết rồi sẽ ra sao. Tại các tiểu vương quốc Arập thống nhất (EAU), Qatar và Koweit thì chủ yếu là các biện pháp dự phòng. Đây là những nước nhỏ có dân số ít, hiện chưa có vấn đề gì, nhưng các hoàng gia tại đây vẫn tỏ ra quan tâm đến chất lượng cuộc sống của các thần dân hơn.

Một nhà kinh tế của Ngân hàng Société Générale cho biết: “Tại các tiểu vương quốc Arập thống nhất, lương công chức các ngành tư pháp, y tế và giáo dục năm ngoái đã tăng từ 35% - 100%, còn lương hưu của quân nhân vừa được tăng 70%. Ngoài ra, một kế hoạch 3 năm trị giá 1,6 tỉ USD vừa được đưa ra để giảm bớt bất bình đẳng xã hội. Còn tại Dubai, nơi có dân số đa dạng nhất trong 7 tiểu quốc này, một quỹ 2,7 tỉ USD đã được thành lập để giúp những người thu nhập thấp. Ở Koweit, năm ngoái công dân nhận được món tiền thưởng 3.600 USD/người và được cấp thực phẩm miễn phí trong suốt một năm. Tại Qatar, lương công chức được tăng 60% và quân nhân được ưu ái đặc biệt với lương tăng đến 120%. Nếu Qatar không đợi đến Mùa xuân Arập để phát triển cơ sở hạ tầng và khí đốt, thì nay lại đưa ra một kế hoạch 100 tỉ USD đầu tư vào mọi lĩnh vực nhất là giáo dục với tham vọng trở thành trung tâm đại học của khu vực.

Người ta đặt câu hỏi liệu các quốc gia vùng Vịnh có khả năng gia tăng chi ngân sách nhiều đến thế hay không? Đối với các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar và Koweit thì không thành vấn đề nhờ có nguồn dầu hỏa dồi dào và ít dân. Nhưng ngược lại, Arập Xêút khó khăn hơn, nhất là lại đang tài trợ cho nhiều nước Arập như Ai Cập và Jordanie. Đó là lý do khiến mới đây Bộ trưởng Dầu hỏa nước này tỏ ý mong muốn giá dầu thô được giữ ở mức 100 USD/thùng.

Nhưng kinh tế thế giới đang trì trệ, nhu cầu của Mỹ và châu Âu đang giảm đi, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ sắp tới cũng có thể giảm. Một chuyên gia về các nước Arập cho rằng, hiện thời Ryad có thể chịu đựng được nhưng trong trung hạn thì khó trụ được dài lâu.

(Theo AFP, Le Monde)

SONG MINH


Ý kiến của bạn
Tags: