Phú Quốc còn mưa những ngày tới
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày 13-14/7/2024, trên địa bàn TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xuất hiện mưa lớn kéo dài đã gây ngập nước cục bộ trên đảo. Địa bàn ấp Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài và Bến Tràm thuộc xã Cửa Dương là khu vực bị ngập khá sâu. Đặc biệt, tại khu vực đồi dốc xảy ra hiện tượng lũ quét cuốn trôi gia súc, gia cầm và đồ đạc của người dân.
Ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy quân sự TP Phú Quốc phối hợp với các đơn vị chức năng huy động cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường các khu vực bị ngập nước sâu, xảy ra lũ quét phối hợp cùng lực lượng tại chỗ của địa phương kịp thời sơ tán nhiều người dân và di dời tài sản của 12 hộ dân bị ngập nước đến nơi an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, thời tiết ở Phú Quốc sẽ liên tục có mưa lớn từ 17-22/7, hành khách lưu ý khi đi du lịch để chuẩn bị các phương án cần thiết ứng phó với mưa lớn.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến ngập nặng ở TP Phú Quốc là do mưa lớn, ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới. Phú Quốc có vị trí đặc biệt là nơi đón gió mùa Tây Nam đầu tiên, do đó nơi đây sẽ đón cơn mưa lớn sớm hơn những tỉnh thành khác xa đất liền.
"Dù áp thấp nhiệt đới đợt này đi vào vùng ven biển miền Trung, nhưng khi còn ở ngoài biển thì rìa Tây Nam của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã quét qua khu vực Nam Bộ. Thông thường, không có bão trên biển Đông, không có áp thấp nhiệt đới thì gió mùa Tây Nam cường độ trung bình. Tuy nhiên khi xuất hiện cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì sẽ tạo điều kiện hút gió, hội tụ gió làm cho gió mùa Tây Nam mạnh. Do đó, đợt này Nam Bộ mưa diện rộng, trong đó Phú Quốc mưa sớm hơn và có lượng mưa lớn", bà Lan nhận định.
Theo chuyên gia, mưa lớn ở Phú Quốc là điều không bất thường vì trước đây địa phương này cũng đã có những đợt mưa lớn do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Bất thường ở đây là không phải mưa lớn mà đến từ tình trạng ngập sâu. Điều này cho thấy Phú Quốc hiện tại không còn như trước đây, diện tích thoát nước bị giảm đi, rừng cũng giảm đi. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng ngập nặng tại một số khu vực ở TP Phú Quốc.
Dự báo, trong khoảng 2 ngày tới, xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới ngoài miền Nam của Philippines đi vào biển Đông, sau đó đi lên phía Bắc vị trí thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới sẽ kéo qua Nam Bộ làm gió mùa Tây Nam mạnh lên, do đó khả năng cao 2 ngày nữa TP Phú Quốc tiếp tục xuất hiện mưa lớn.
Hiện tại, tháng 7 là tháng gió mùa và mùa bão trên khu vực Thái Bình Dương. Bão đang hoạt động dồn dập hơn. Mùa bão nhiều nhất là vào khoảng tháng 8 - tháng 11. Năm 2024, từ tháng 7 đến cuối năm chịu ảnh hưởng của La Nina, số bão xuất hiện trên Biển Đông sẽ nhiều hơn. Khi bão xuất hiện nhiều, gió mùa Tây Nam mạnh lên, lúc đó TP Phú Quốc sẽ mưa. Cho nên, từ nay đến tháng 10 và 11, TP Phú Quốc sẽ còn xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, thậm chí mưa còn lớn hơn đợt ngập vừa rồi.
Giải pháp nào phòng chống ngập cho Phú Quốc?
PGS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến TP Phú Quốc ngập cục bộ là do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh nhưng không hợp lý.
"Thật ra lượng mưa vừa rồi không phải kỷ lục ở Phú Quốc, trước đây đã có những trận mưa hơn 150mm nhưng lại không gây ngập cục bộ vì thời điểm đó rừng còn nhiều, mật độ xây dựng nhà cửa trên đường thoát nước không nhiều như bây giờ", ông Tuấn đánh giá.
Theo chuyên gia, mật độ khu đô thị, khu dân cư đông đúc tại TP Phú Quốc đang chặn đường thoát nước lũ, thoát nước tự nhiên. Đặc biệt, rừng ở Phú Quốc không có khả năng giữ được nước như trước đây nên khi gặp mưa lớn, nước đổ dồn xuống vùng trũng rất nhanh gây ngập cục bộ.
Nhìn lại những năm qua, Phú Quốc luôn là một đại công trường xây dựng, thu hút rất nhiều dự án đầu tư tầm cỡ. Lượng du khách tăng. Kết quả 20 năm triển khai thực hiện đề án phát triển đảo Phú Quốc đã tạo ra một thành phố đảo năng động, một trung tâm du lịch chất lượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sức hút mãnh liệt của "đảo ngọc" cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy. Hoạt động kinh tế với cường độ cao đã và đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất dần các "túi chứa nước" tự nhiên bao đời nay trên đảo. Không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối tự nhiên đã dần biến mất, nhường chỗ cho "đất vàng" các khu đô thị, dân cư, các dự án du lịch hoành tráng từ hấp lực của các cơn sốt đất. Nhiều nhà cửa, công trình lớn được xây dựng đã thu hẹp ao hồ, sông suối, hệ thống thoát nước bị lấn chiếm, cướp mất không gian của nước... Từ đó, ngập lụt là điều không tránh khỏi.
PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định, hệ thống thoát nước của TP Phú Quốc không được cải thiện tương ứng với đô thị hóa như hiện nay. Tình trạng ngập cục bộ ở TP Phú Quốc là bài học quan trọng để cho những chuyên gia làm quy hoạch đô thị phát triển Phú Quốc lưu ý. Đầu tiên cần nghiên cứu, tăng cường trồng rừng để giảm bớt nguy cơ sạt lở, cân bằng lại hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, nhanh chóng cải thiện hệ thống thoát nước, vì hệ thống này có thể cũng lạc hậu và không thỏa mãn được yêu cầu thoát nước hiện nay. Mặt khác, cần phải hạn chế bớt thực trạng bê tông hóa nhằm tạo điều kiện cho nước thấm xuống lòng đất.
Cần khu biệt hóa không gian trên đảo. Ngoài vùng lõi phải triệt để chống ngập bằng các giải pháp công trình, kiểm soát nghiêm trật tự xây dựng, còn cần giữ cho được vùng đệm và các "túi chứa nước tự nhiên". Đó chính là diện tích đất rừng, sông, suối để tạo không gian giữ nước và thoát nước cũng như mặt tiền bãi biển công cộng, không để các dự án đầu tư bê tông hóa thành đê chắn đường thoát nước ra biển.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung, áp sát đất liền từ Huế - Quảng Bình.