Tham dự lớp tập huấn có 52 học viên là cán bộ Hội LHPN 5 huyện, 11 xã khu vực III, 5 xã có thôn vùng DTTS&MN và các thành viên của 11 Địa chỉ tin cậy thuộc Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 tại các huyện: Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.
Tại chương trình tập huấn, các học viên được tiếp thu những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; tìm hiểu các nguyên tắc hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực và cung cấp kỹ năng tiếp xúc ban đầu với người bị bạo lực để có thể hỗ trợ nạn nhân tốt hơn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Các học viên cũng chia sẻ về các trường hợp bị bạo lực trên địa phương của mình và cách họ tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực… Từ đó, cùng trao đổi, thảo luận nhằm cũng cố kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tiếp cận, xử lý các vụ việc cho các học viên trong lớp tập huấn.
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên sẽ là những tuyên truyền viên về phòng chống bạo lực gia đình, cùng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các tổ hòa giải, tổ an ninh…
Những người này sẽ góp phần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại xã, thôn/bản nhằm bảo vệ, truyền đạt những nguyện vọng, ý kiến của những người yếu thế trong gia đình, nhằm ngăn chặn nguy cơ trở thành nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là một tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện. Các địa chỉ này đặt tại trạm y tế xã, trụ sở công an xã (nơi thường xuyên có người trực và có khả năng bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực).
Nội dung hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, bảo đảm an toàn cho nạn nhân và bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, khi đến đây nạn nhân được chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa, đồng thời được tuyên truyền nâng cao ý thức trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.