Vì sao phải giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số?

06-08-2023 09:05 | Y tế

SKĐS - Những năm qua, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn với tỷ lệ cao gây cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, miền núi.

Những con số "giật mình" về tảo hôn

Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ I (năm 2014), tỷ lệ 26,6% người DTTS đây là một tỷ lệ quá cao, tồn tại dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều hậu quả trên nhiều góc độ khác nhau. 

Năm 2019, cuộc điều tra lần II được tiến hành. Kết quả công bố cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS vẫn còn tới 21,9%. So với năm 2014, năm 2019, tình trạng tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%, tức bình quân mỗi năm giảm 0,94%.

Tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên, 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%) cũng có 7,8% người DTTS tảo hôn. Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20,1%; nữ giới tảo hôn cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Tất cả 53 DTTS đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: Dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%, Mạ 39,2%. Tỉnh Sơn La có 128.873 trường hợp; tỉnh Hà Giang có 73.772 trường hợp; Điện Biên 67.780 trường hợp…

Vì sao phải giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số? - Ảnh 1.

Tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là công việc quan trọng. Ảnh minh họa: T.Hằng

Trước hết, về tảo hôn, theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: "Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 8 của Luật này". Như vậy, có thể hiểu tảo hôn là việc hai bên nam, nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa nào đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.

Về hôn nhân cận huyết thống, tại điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cấm hành vi "Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng".

Những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Theo các chuyên gia về y tế, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh,….

Như vậy, có thể thấy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta.

Trước tình hình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng DTTS vẫn còn phổ biến, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS.

Đến nay, Đề án đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS đã được tuyên truyển sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,… Điều đó phần nào đã cải thiện và nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một số phong tục, tập quán lạc hâu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần được hủy bỏ.

Việc triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số DTTD ở khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình.



Thanh Hằng
Ý kiến của bạn