Những năm qua, Hội Đông y huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của nền y học cổ truyền.
Trong đó, ngoài bảo tồn giữ gìn những cây thuốc hay, Hội còn tích cực vận động hội viên chia sẻ những cây thuốc hay, bài thuốc quý. Kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền, áp dụng trong công tác khám chữa bệnh góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Với đặc thù địa bàn huyện có nguồn dược liệu quý tương đối dồi dào nhưng bởi khai thác nhiều nên dần cạn kiệt. Do đó, với phương châm "Thầy tại nhà, thuốc tại vườn", hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên xây dựng các vườn thuốc nam để phục vụ nhu cầu chữa bệnh và là điểm tuyên truyền trồng, sử dụng thuốc nam.
Đến nay, toàn huyện có 26 vườn thuốc nam, trong đó, có 19 vườn thuốc trạm y tế, 8 vườn thuốc của hội viên. Các hội viên ở cơ sở phần đa có khóm thuốc tại vườn (tỷ lệ chiếm khoảng 75%). Các hội viên luôn đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân tại thôn, bản trồng và sử dụng một số cây thuốc nam chữa bệnh thông thường như: cảm cúm, đau bụng kiết lỵ, mẩn ngứa…
Ngoài ra, hiện nay, Hội Đông y huyện duy trì tốt 5 phòng chẩn trị khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Để tăng cường đưa y học cổ truyền đến với nhân dân, phòng khám và các hội viên thường xuyên tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, những người nghèo và neo đơn trên địa bàn… Đồng thời, phối hợp với Hội Đông y tỉnh khám và cấp thuốc từ thiện miễn phí cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn ở huyện Cao Lộc.
Hội Đông y huyện Cao Lộc hiện có trên 200 hội viên tại 21 xã, thị trấn. Bà Hứa Thị Yến, ở thôn Pác Lùng, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc cho biết, bà bị đau khớp nhiều nên đi lại rất khó khăn, từ khi được điều trị bằng châm cứu và uống thuốc y học cổ truyền, bệnh tình thuyên giảm. Tương tự, bà Nông Thị Hà, cũng ở huyện Cao Lộc đã nhiều lần đến điều trị bệnh thoái hóa cột sống chia sẻ: do bị đau lưng nên cúi và đi lại rất khó, nhưng đến với Đông y để châm cứu, bệnh tình của bà đã thuyên giảm rất nhiều.
Hội Đông Y huyện Cao Lộc đã tích cực vận động, tuyên tuyền đến các hội viên Hội Đông y ở cơ sở tổ chức "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng thời, Hội thường xuyên tuyên truyền vận động các cụ lương y có kinh nghiệm chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền, truyền thụ cho con cháu kế thừa không để bài thuốc cây thuốc quý bị mai một. Đến nay, Hội đã khai thác, kế thừa được hơn 170 bài thuốc dân gian, gia truyền trong điều trị các bệnh như: cao huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, gai cột sống, gãy xương, viêm gan,…
Ngoài ra, Hội Đông y huyện Cao Lộc còn tích cực phối hợp cùng Trung tâm Y tế kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo Hội Đông y xã, thị trấn phối hợp cùng Trạm y tế xã trồng bổ sung vườn thuốc nam đạt chuẩn từ 40 đến 60 mẫu cây thuốc nam.
Hội sưu tầm được nhiều mẫu cây thuốc nam trồng bổ sung tại vườn thuốc nam của một số Trạm y tế xã. Tuyên truyền, vận động hội viên Hội Đông y ở cơ sở trồng và bảo tồn nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương. Hiện nay, Hội còn duy trì tốt 5 phòng chẩn trị khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Y sĩ Lâm Hải Thư, Hội viên Hội Đông y thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết; ông luôn vận động các hội viên tích cực trồng và phát triển các cây thuốc đang có nguy cơ bị mai một để giữ nguồn nguyên liệu quý.
Theo Chủ tịch Hội Đông y huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Đông y các xã, thị trấn trồng thêm các cây thuốc quý, nghiên cứu bài thuốc hay. Gìn giữ cây thuốc, bài thuốc gia truyền của ông cha ta để lại nhằm phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Có thể thấy, với những nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của y học cổ truyền, Hội Đông y huyện Cao Lộc đã phát huy hiệu quả giá trị những bài thuốc quý trong y học cổ truyền phục vụ công tác khám chữa bệnh. Qua đó, từng bước đa dạng hóa nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.