Kính thưa Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ
Thưa các vị khách quý,
Đây là lần thứ 2 tôi tham dự lễ trao giải cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” viết về các tấm gương thầy thuốc tiêu biểu. Cũng là ần thứ 2 tôi được đọc những bài báo, được xem những phóng sự về các thầy thuốc- các đồng nghiệp của mình. Cảm giác lần nào cũng cho tôi xúc động, đó là sự xúc động trước những sự miệt mài, vượt khó để cống hiến tâm-trí-lực của các thầy thuốc ở mọi vùng miền đất nước cho sự nghiệp cao cả: bảo vệ-chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Ngành y tế Việt Nam chăm sóc sức khỏe cho hơn 92 triệu người từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi về dưới lòng đất... Ngành y chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đời người khi cất tiếng khóc chào đời cũng như chứng kiến sự đau đớn của con người lúc nhắm mắt xuôi tay.
Lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời với đội ngũ ngành y là "phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Đội ngũ y, bác sĩ đã đóng góp lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hàng năm, ngành y tế khám, chữa bệnh cho trên 150 triệu lượt người. Toàn ngành có gần 500.000 cán bộ đang ngày đêm làm việc kể cả ngày lễ và ngày nghỉ, tham gia trực đêm, cấp cứu, xử trí các tình huống khẩn cấp... Chúng ta đã đạt được một số thành tựu y tế được quốc tế ghi nhận: mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, thực hiện đúng lộ trình về Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), ứng dụng thành công các thành tựu y học hiện đại trong dự phòng và điều trị bệnh.
PGS.TS.TTND Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Chương trình "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ IV
Bên cạnh những thành công, ngành Y tế cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trình độ khoa học y học đã phát triển cao thì thực hành chuyên môn y khoa càng có tai biến. Rồi khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng tăng lên, mô hình bệnh tật thay đổi, trong lúc điều kiện của các cơ sở y tế chưa đáp ứng đủ, chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh còn chênh lệch giữa các tuyến, các vùng miền… Không những thế, ngành y tế luôn phải đối mặt với những khó khăn do tác động của ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại, hút thuốc lá, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, thảm họa thiên tai… Tuy nhiên, ngành y tế đã phải phấn đấu nỗ lực hết sức mình vượt qua khó khăn, thách thức tồn tại, không ngừng nâng cao y đức, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện phương châm y tế dự phòng phải đi trước một bước.
Thưa các quý vị,
Nghề y là nghề tinh tế, nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong suốt quá trình chăm sóc người bệnh, ở chỗ này, chỗ khác còn có những sai sót chuyên môn, có những thầy thuốc có thái độ và trách nhiệm chưa đúng mực. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có biết bao những tấm gương những người thầy thuốc đang hằng ngày lặng lẽ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà chúng ta chưa phát hiện được. Chính vì thế, để phát hiện những tấm gương và nhân lên các điển hình người thầy thuốc, vai trò của các cây bút chuyên và không chuyên trong việc tìm tòi, phát hiện và dấn thân là rất đáng trân trọng. Để từ đó, hình ảnh của những thầy thuốc áo trắng ngày đêm âm thầm vượt qua khó khăn, gian khổ, chiến đấu với bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân dần trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với cộng đồng.
Viết về sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc là góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào thực tế: ngành y đâu chỉ có một vài thầy thuốc làm dư luận bức xúc mà có cả một đội ngũ đông đảo y bác sĩ, dược sĩ, cán bộ nhân viên đang thầm lặng làm tốt công việc cứu người trị bệnh của mình, đúng như lương tâm mà họ ấp ủ là tất cả vì con người và bệnh nhân thân yêu.
Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” mà báo Sức khỏe&Đời sống định kỳ tổ chức 2 năm một lần mang ý nghĩa văn hóa quan trọng, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành y, vừa góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái... đang có nguy cơ mai một trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Tiếp bước các cuộc thi trước đó, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV này đã cho các bạn đồng nghiệp và người dân thấy được, đằng sau sự vất vả đó là sự yêu thương hết lòng của nhiều cán bộ y tế, nhiều tấm gương qua các bài thi đã gây xúc động lớn. Bằng những bài viết chân thực, cuộc thi cũng đã động viên khích lệ toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tự tin hơn và thanh thản hơn trong nỗ lực vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều đối với công việc ngành y.
Đây cũng là năm đầu tiên, Bộ Y tế trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các nhân vật trong các bài viết đạt giải để ghi nhận đóng góp của các thầy thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế đánh giá cao báo Sức khỏe&Đời sống, Đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình đầy ý nghĩa và nhân văn này, đồng thời cảm ơn Ban Tổ chức Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”, Hội đồng Giám khảo, đội ngũ các nhà báo tâm huyết, đầy kinh nghiệm và công tâm đã chọn ra các tác phẩm báo chí xuất sắc của cuộc thi.
Tôi xin kính chúc đồng chí Võ Văn Thưởng, đồng chí Vũ Đức Đam cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước, các Bộ, ban ngành, các quí vị đại biểu cùng toàn thể khán giả đang theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo đã luôn đồng hành, chia sẻ, ủng hộ ngành y tế thời gian qua.
Trân trọng cảm ơn Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã tâm huyết đồng hành làm nên thành công của chương trình.
Xin trân trọng cảm ơn!