'Ô nhiễm môi trường đang cấp bách, vì sức khỏe người dân chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực'

15-07-2025 17:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Chia sẻ tại Tọa đàm "Quyết liệt BVMT, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội hết sức cấp bách, vì môi trường xanh sạch, sức khỏe người dân thì chúng ta phải "đồng tâm, hiệp lực" triển khai.

Chỉ thị 20 ban hành một cách đồng bộ, bài bản

Chia sẻ tại Tọa đàm "Quyết liệt BVMT, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" vừa diễn ra, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đánh giá, qua các số liệu quan trắc nhiều năm, chất lượng không khí tại nội đô Hà Nội bị suy giảm nghiêm trọng nhiều ngày, nhiều tháng. Đây là vấn đề nóng của Hà Nội, của nội đô Hà Nội.

Đánh giá về Chỉ thị số 20/CT-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, ban hành chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có Hà Nội, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng đây là sự quyết liệt của Thủ tướng.

'Ô nhiễm môi trường đang cấp bách, vì sức khỏe người dân chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực'- Ảnh 1.

TS. Hoàng Dương Tùng: Qua các số liệu quan trắc của nhiều năm, chúng ta đều nhận thấy chất lượng môi trường không khí ở trong nội đô bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: VGP.

Bày tỏ quan điểm rằng, Chỉ thị đã thể hiện sự quyết tâm của chúng ta để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác; không chỉ dừng lại ở giải quyết ô nhiễm không khí, nước thải mà còn liên quan đến cả vấn đề giao thông, sản xuất công nghiệp, xử lý rác thải…

"Tôi cho rằng Chỉ thị này được ban hành một cách đồng bộ, bài bản và thể hiện rõ sự quyết liệt qua các mốc thời hạn cụ thể, không chỉ cho năm sau mà cả ngay trong năm nay", Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Dương Tùng, chúng ta không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Đồng thời ông bày tỏ vui mừng vì Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai, đã thành lập ngay Ban Tư vấn, chỉ đạo…

'Ô nhiễm môi trường đang cấp bách, vì sức khỏe người dân chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực'- Ảnh 2.

Ông Dương Đức Tuấn: Theo lộ trình, vào quý III năm 2025, Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện này, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu quan điểm, tình trạng ô nhiễm môi trường với Thủ đô Hà Nội hiện nay trở nên hết sức cấp bách. Vì một môi trường sống xanh sạch, đồng thời để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân thì chúng ta phải chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực để triển khai.

Trong quá trình triển khai, chính quyền, người dân và doanh nghiệp chắc chắn phải cùng nhau đảm bảo hài hòa lợi ích. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu bắt buộc, vấn đề chỉ còn là triển khai nhanh hay chậm. Lần này, chúng ta quyết tâm thực hiện nhanh. Đây chính là thông điệp mà chính quyền Thủ đô cam kết sẽ nỗ lực thực hiện, đặc biệt trong việc triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng

Còn ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN&MT) đã phân tích và đánh giá dưới góc độ quản lý nhà nước đối với những nội dung của Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Văn Thức cho rằng Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấp bách, toàn diện, tập trung vào nhiều nội dung cụ thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị đề ra các nhóm giải pháp rõ ràng liên quan đến ô nhiễm không khí ở đô thị lớn, nước thải tại các lưu vực sông và chất thải rắn ở đô thị, nông thôn. Đồng thời, nhiều giải pháp bổ trợ về cơ chế, chính sách cũng được nêu để hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm và bảo vệ chất lượng sống cho người dân.

'Ô nhiễm môi trường đang cấp bách, vì sức khỏe người dân chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực'- Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Môi trường phân tích: Theo mạng lưới quan trắc thì thấy thời điểm đến 2019, chất lượng không khí có suy giảm ở một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra thì các hoạt động sản xuất, đi lại, giao thông giảm… nên môi trường không khí ở các đô thị nói chung, trong đó có Hà Nội là tốt. Đến năm 2023, 2024 nền kinh tế phục hồi thì "đường cong về ô nhiễm không khí" ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội tăng lên.

"Chúng ta biết rằng từ cuối năm 2024 có một đợt ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội đã kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 4 năm nay. Điều đó phản ánh: nếu không kiểm soát tốt các hoạt động phát thải gây ô nhiễm thì sẽ làm suy giảm chất lượng không khí tại các đô thị", ông Hoàng Văn Thức nói.

'Ô nhiễm môi trường đang cấp bách, vì sức khỏe người dân chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực'- Ảnh 4.

PGS. TS Nguyễn Văn Sơn: Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội.

Từ góc độ chuyên gia y tế, xin PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết: Ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội. Các tác nhân gây ô nhiễm gồm bụi PM2.5, gây tác động lên hệ hô hấp, đặc biệt là gây ra hoặc ảnh hưởng nặng đến người đang mắc các bệnh như bệnh hen cũng như các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt với các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Ô nhiễm có thể tác động lên hệ tim mạch khi hấp thụ các hóa chất, bụi gây ra hiện tượng sơ vữa ảnh hưởng đến tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tác động đến hệ miễn dịch. Khi tiếp xúc ô nhiễm kéo dài thì bị suy giảm hệ miễn dịch và gây ra các bệnh nhiễm trùng, bệnh mãn tính và có thể tác động lên hệ thần kinh, gây viêm thần kinh, gây ra các bệnh Alzheimer, Parkinson…

Từ 1/7/2026, Hà Nội thực hiện lộ trình không có xe máy chạy xăng, dầu lưu thông trong Vành đai 1Từ 1/7/2026, Hà Nội thực hiện lộ trình không có xe máy chạy xăng, dầu lưu thông trong Vành đai 1

SKĐS - Đó là một trong các nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chi tiết các tuyến đường ở Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng kể từ 1/7/2026.


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn