Ở hai đầu thương nhớ!

16-02-2019 07:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tác giả bài thơ - phóng viên Dương Soái khi ấy 29 tuổi, được cử lên mặt trận biên giới Lào Cai viết bài đưa tin, hồi tháng 2-1979. Ngược đường lên biên giới, Dương Soái từng chứng kiến cảnh những đoàn người gồng gánh tản cư về xuôi, ngơ ngác gào khóc tìm con cái, người thân, ánh mắt thất thần trước những gì vừa mới xảy ra, đang xảy ra ở mảnh đất họ từng bình yên "chôn nhau, cắt rốn".

Xem bài hát "Gửi em ở cuối sông Hồng":

Một bài thơ hay được ví như con chim có hai cánh thơ và nhạc. Một ca khúc hay cũng được ví như con chim có hai cánh nhạc và thơ. Không ngẫu nhiên ở hầu hết từ vựng các ngôn ngữ trên thế giới đều gọi chung khái niệm “thơ ca”. “Gửi em ở cuối sông Hồng”  là một tác phẩm thơ - ca như vậy.

Anh ở Lào Cai

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Tháng Hai, mùa này con nước

Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ

Cứ chiều chiều ra sông gánh nước

Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt

Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông

Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét

Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết

Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...

Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy

Em ra sông chắc em sẽ thấy

Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

...

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng

Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ

Là niềm thương anh gửi về em đó

Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.


Bài thơ có cái tứ rất vững: Điểm tựa cảm xúc bài thơ là nỗi nhớ. Điểm tựa của hình tượng bài thơ là sông Hồng. Nỗi nhớ dài theo dòng sông, gửi vào sông, trôi chảy theo dòng sông. Người ta thường bắc cây cầu ngang sông, nhưng ở bài thơ này, nhà thơ bắc cây cầu dọc theo dòng sông Hồng. Cây cầu thương nhớ vượt mọi không gian thời gian để đem nỗi nhớ của anh từ nơi đầu sông về nơi em ở cuối sông. Nỗi nhớ tìm về nỗi nhớ. Tình yêu tìm đến tình yêu. Bài thơ này là nỗi nhớ. Bài thơ này là tình yêu. Rất đúng. Nhưng bài thơ còn là lịch sử…

Tác giả bài thơ - phóng viên Dương Soái khi ấy 29 tuổi, được cử lên mặt trận biên giới Lào Cai viết bài đưa tin, hồi tháng 2-1979. Ngược đường lên biên giới, Dương Soái từng chứng kiến cảnh những đoàn người gồng gánh tản cư về xuôi, ngơ ngác gào khóc tìm con cái, người thân, ánh mắt thất thần trước những gì vừa mới xảy ra, đang xảy ra ở mảnh đất họ từng bình yên "chôn nhau, cắt rốn". Ở Sở Chỉ huy tiền phương, ông gặp rất nhiều bộ đội, dân quân, có cả những chiến sĩ trẻ măng. Có người chiến sĩ từ chốt trở về, máu vẫn còn chưa khô từ nơi vết thương băng bó… Nhưng tất cả, ở họ đều toát lên một ý chí sắt thép bảo vệ vững vàng biên cương của Tổ quốc. Biết Dương Soái là nhà báo lên tác nghiệp, rất nhiều chiến sĩ đã nhờ ông gửi thư về cho gia đình mình. Có lá thư chưa kịp dán… có người chỉ kịp ghi vội dòng địa chỉ và nhờ ông nhắn với hậu phương, rằng: “Chúng tôi vẫn sống và đang bảo vệ đất của mình!", “Chúng tôi còn, biên giới còn”...

Rời Lào Cai về Yên Bái trong ngổn ngang nỗi niềm, trong lúc ngồi đợi tàu tại sân ga Phố Lu, ông mang thư của bộ đội ra sắp xếp lại. Những lá thư đã có tem, địa chỉ, những lá thư chưa có tem, những lá thư chưa có phong bì, những lá thư chỉ ghi vẻn vẹn vài chữ... Ông ngỡ ngàng bởi từ trong hàng trăm lá thư ấy, hầu hết bộ đội ta đều quê ở các tỉnh nằm dọc theo bờ sông Hồng (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...) và đa số thư đều gửi cho vợ, người yêu ở những địa phương nằm dọc sông Hồng ấy. Trong nỗi ám ảnh trước tình hình chiến sự mà ông chứng kiến, trong cái lạnh tái tê của từng đợt gió mùa đông bắc tháng hai, đúng rồi, tháng hai mùa này con nước, ông chợt nghĩ về màu nước sông Hồng đỏ rực phù sa... Những cảm xúc cứ va đập, dồn nén rồi bật ra thành thơ. Hai giờ đồng hồ chờ tàu ở ga phố Lu, ông đã viết xong bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong giàn giụa nước mắt. Bài thơ được Dương Soái chú thích thời điểm sáng tác “Mặt trận Lào Cai, 20-2-1979”, đó chính là những ngày đỉnh điểm của thời khắc đau thương và mất mát trong cuộc chiến đấu ấy.

Một năm sau, nhạc sĩ Thuận Yến, cũng trong một chuyến công tác lên biên giới khi tiếng súng vừa tạm yên, ông đã có dịp trò chuyện cùng vợ chồng một  người chiến sĩ, khi ấy, người vợ vừa từ quê Thái Bình lên thăm chồng. Anh đang chốt ở biên giới Bát Xát, đầu nguồn con sông Hồng… Cuộc gặp gỡ nung nấu trong lòng nhạc sĩ ý tưởng về một bài hát. Cho đến khi gặp được bài thơ, thì câu chuyện với người chiến sĩ trong ông chợt bùng trở lại. Và bài hát cùng tên đã ra đời: Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Ở nơi anh mùa này con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ/ Anh ở phương xa, biết rằng em năm ngóng, tháng chờ/ Cứ chiều chiều ra sông  gánh nước/ Nên bạn bè ngày ngày cùng trên chốt, anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong…”

Bài thơ có 8 khổ, khi phổ nhạc, Thuận Yến chỉ sử dụng 5 khổ. Những câu chữ trong thơ không có mặt trong bài hát chính là những bằng chứng lịch sử ghi lòng tạc dạ. Và tuy nó không thể hiện trong bài hát, nhưng chính đó là nguồn cơn để cảm xúc trong bài hát được đẩy lên da diết thiết tha hơn bằng giai điệu: “Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa Đông Bắc/ Em thương anh nơi chiến hào gặp rét/ Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không?/ Hỡi anh yêu, người chiến sĩ biên thùy”.

Cảm xúc chủ đạo trong ca khúc của Thuận Yến là niềm thương nỗi nhớ, còn trong nguyên bản bài thơ của Dương Soái, có những phút giây bàng hoàng và nhức nhối: “Nhưng ngây thơ đâu còn ở chúng mình/ Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc/ Khi Lào Cai trong anh trở thành máu thịt/ Đạn lên nòng anh giữ ngọn nguồn sông/ Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng/ Đạn quân thù bỗng cuồng điên bắn vào thị xã/ Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả/ Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong/ Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm/ Phá cầu thù, xẻ vụn xe tăng giặc/ Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục/ Máu giặc loang ố cả một vùng”.

Thơ Dương Soái là chứng nhân của một giai đoạn đau thương và ác liệt. Ông đã đi gần như trọn vẹn cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, gắn bó nhiều năm với biên cương như là máu thịt, vậy nên, không riêng gì “Gửi em ở cuối sông Hồng” mà cả trong những bài thơ khác khi viết về biên cương, những câu thơ cũng bật lên thổn thức: “Như màu chàm trong lá rừng xanh/ Quê núi cùng anh tụ thành lộc biếc/ Tựa vào địa danh tựa vào xóm mạc/ Xây vững bền cây cột mốc biên cương”.

Sau này, nhà thơ Dương Soái trong một lần tâm sự, ông nói rằng trong điều kiện chiến tranh ngày ấy, khi viết câu thơ: “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, ông muốn nhắc lại một chân lý: Đây là đất Việt, đất của người Việt! Trong hoàn cảnh cụ thể, bài thơ nhấn mạnh địa danh Lào Cai: “Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Nhạc sĩ Thuận Yến khi phổ nhạc đã sửa hai chữ “Lào Cai” thành “biên cương” và chính hai chữ “biên cương” trong ca khúc của Thuận Yến mang một tầm rộng lớn hơn, phổ quát hơn, bay rộng hơn trên khắp dải biên cương Tổ quốc.

Năm 1999, ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bình chọn hay nhất. Một tác phẩm thơ - ca đi cùng năm tháng. Và dẫu là thơ hay nhạc, thì cây cầu nối hai đầu nhớ thương vẫn mãi mãi “Là chiến công, là niềm tin, là tình yêu… ta gửi cho nhau”


Việt Hải – Nguyên Thanh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn