Hà Nội

Nướng mực khô bằng cồn 90 độ nguy hiểm như thế nào?

16-06-2024 12:49 | Y tế
google news

SKĐS - "Nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc các đồ ăn khác vì rất nguy hiểm. Chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bản thân và những người xung quanh bị bỏng nặng", BS. Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (29 tuổi, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lần nướng mực bằng cồn vào mùa hè cách đây vài năm về trước. Khi đó chị Trang vẫn ở trọ cùng chị gái, mùa hè nóng bức 2 chị em mang mực ra nướng để uống bia thì không may lọ cồn bị nổ.

"Rất may lọ cồn chỉ còn lại một chút nên cả 2 chị em tôi không ai bị thương nặng nhưng đều choáng váng, ù tai, thấy trời đất tối sầm… Những mảnh vỡ của lọ cồn bắn ra, cứa vào cơ thể làm da trầy xước và chảy máu", chị Trang nhớ lại.

Nướng mực khô bằng cồn 90 độ nguy hiểm như thế nào?- Ảnh 1.

Nhiều ca bỏng nặng do nướng mực, cá bằng cồn. Ảnh minh hoạ.

Sau tiếng nổ nhỏ, cả xóm trọ đều hốt hoảng chạy sang hỏi thăm. Ai nấy đều cảm thấy thật may mắn khi lọ cồn 90 độ chỉ còn lại 1 chút nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

"Phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ tôi mới có thể bình tĩnh trở lại. Thực sự rất may mắn, nếu hôm đó là lọ cồn mới mua thì rất có thể giờ tôi đã không còn ngồi đây được nữa… Mọi người không nên dùng cồn để nướng mực, nhất là bơm thêm cồn khi ngọn lửa còn đang cháy", chị Trang nói với PV.

Thực tế đã có những câu chuyện thương tâm xảy ra khi nướng mực bằng cồn. Vào tháng 3/2023, một cháu bé 6 tháng tuổi ở Đồng Nai đã bị bỏng nặng do bà ngoại nướng mực bằng cồn. Khi bà châm thêm cồn để nướng mực, lửa đã phụt lên khiến cháu bé đang được bà ngoại bế trên tay bị lửa cháy vào mặt, ngực và tứ chi.

Vào tháng 2/2023, 3 người trong một gia đình ở Kiên Giang bị bỏng nặng, trong đó một bé gái tử vong do khi đang nướng mực, người cha vô tình quơ tay khiến chai cồn đổ vào ngọn lửa và gây nổ. Hai cha con bị bỏng nặng. Người vợ nghe tiếng hét chạy vào cứu con cũng bị bỏng theo. Hàng xóm phát hiện sự việc và đưa 3 người đi cấp cứu nhưng bé gái đã không qua khỏi.

Mới đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang nướng mực bằng cồn thì bất ngờ ngọn lửa cháy lan sang cháu nhỏ ngồi gần đó. Chứng kiến cảnh tượng cháu bé bị lửa cháy bùng vào quần áo, người đàn ông quá hoảng hốt bế cháu bé chạy vào trong nhà tìm cách dập lửa, sơ cứu vết thương.

Theo camera, sự việc được ghi lại vào chiều tối ngày 13/5. Hiện chưa rõ nơi xảy ra sự việc nhưng khi đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người đã vô cùng xót xa cho cháu bé, đồng thời chia sẻ nội dung để cảnh báo người thân, bạn bè của mình.

Cần bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực

Theo Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hàng năm bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bỏng do nướng đồ khô bằng cồn. Các ca bỏng cồn mà bệnh viện tiếp nhận đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai.

Đặc thù của bệnh nhân bị bỏng cồn là thường bỏng ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này. Điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng giống như những loại bỏng khác, phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng.

Nướng mực khô bằng cồn 90 độ nguy hiểm như thế nào?- Ảnh 2.

Bệnh nhi bị bỏng cồn ở khu vực chân. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1.

"Nhìn chung các ca bỏng cồn, quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp bỏng sâu, phải tiến hành mổ cắt hoại tử và ghép da, khiến thời gian điều trị có thể kéo dài cả tháng trời", bác sĩ Giang chia sẻ.

Bác sĩ Giang khuyến cáo, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc các đồ ăn khác vì rất nguy hiểm. Chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bản thân và những người xung quanh bị bỏng. Nên dùng các biện pháp nướng an toàn hơn như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp gas.

Sơ cứu khi bị bỏng

Theo Bệnh viện Bỏng Quốc gia, trong trường hợp bị bỏng, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng. 

Tiếp đó cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng, ngâm vùng bị thương trong nước mát từ 15 - 20 phút. 

Nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng. Điều này sẽ khiến tổn thương nặng thêm, nhiều trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc.

Xem thêm bài viết:

Xót xa 2 chị em ruột cùng cấp cứu vì bỏng cồn nướng mựcXót xa 2 chị em ruột cùng cấp cứu vì bỏng cồn nướng mực

SKĐS - BS CKII Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân bị bỏng cồn nước.


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn