Hà Nội

Bác sĩ cảnh báo gia tăng tình trạng bỏng cồn và tai nạn pháo nổ ở trẻ em

30-12-2022 16:12 | Y tế
google news

SKĐS - Trẻ bị bỏng có thể gặp phải rối loạn huyết động, nhiễm trùng vết bỏng, giảm nuôi dưỡng vùng cơ thể bị bỏng...trường hợp nặng có thể tử vong. Quá trình điều trị bỏng mất nhiều thời gian, chi phí lớn nhưng có thể để lại nhiều di chứng nặng nề về thẩm mỹ và chức năng.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, gần đây bệnh viện đã tiến hành tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bỏng cồn. Rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 18 – 36 tháng tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của các tại nạn bỏng đều do tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, hóa chất, dòng điện hay bức xạ gây ra những tổn thương ở da khi mức độ nhẹ.

Bỏng cồn là loại bỏng rất nguy hiểm vì nó rất dễ bắt cháy và lây lan ra các vật liệu khác. Đồng thời, lửa cồn màu xanh nên rất khó nhìn thấy lúc lửa nhỏ khiến nhiều người không để ý vô tình tiếp thêm cồn dẫn đến lửa sẽ bùng lên và gây ra tai nạn. Bỏng cồn thường bỏng ở vùng mặt, thân trước, tứ chi hoặc bỏng đường hô hấp.

Bác sĩ cảnh báo gia tăng tình trạng bỏng cồn và tai nạn pháo nổ ở trẻ em - Ảnh 1.

Bệnh nhi bị bỏng cồn ở khu vực chân (Ảnh: BVCC)

Trong trường hợp bị bỏng nặng, trẻ có thể gặp phải tình trạng rối loạn huyết động, nhiễm trùng vết phỏng, giảm nuôi dưỡng vùng cơ thể bị bỏng... Quá trình điều trị bỏng đòi hỏi nhiều công sức, tốn kém và có thể để lại di chứng nặng nề về thẩm mỹ và chức năng.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng khuyên rằng, để có thể hạn chế các biến chứng của bỏng, ngay khi phát hiện trẻ bị bỏng phụ huynh cần:

  • Nhanh chóng tách trẻ ra khỏi tác nhân gây phỏng.
  • Dùng nước để dập lửa và cởi bỏ quần áo bị cháy nếu có thể.
  • Nhanh chóng ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt; nếu vùng bị bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng.
  • Dùng băng gạc băng chỗ bỏng và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời ngay sau khi sơ cứu.
  • Phụ huynh không chủ động làm vỡ vùng da bị rộp nước; tuyệt đối không bôi dầu, kem đánh răng, rượu hay đắp các loại lá, loại thuốc không đúng, không đảm vệ sinh lên vết thương. Quá trình sơ cứu không đúng cách sẽ làm cho các tổn thương nặng thêm, dễ viêm nhiễm lan rộng ra và nhiễm trùng nặng và gây nguy hiểm cho trẻ.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh cần theo dõi trẻ thường xuyên, hạn chế cho trẻ lại gần khu vực bếp. Không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. Chú ý trông chừng trẻ khi ngồi trên bàn ăn có bếp lò dùng cồn để nấu. Đối với những trẻ đã nhận thức được cần cho trẻ biết những hiểu biết cơ bản để phòng tránh các tai nạn gây nên bỏng. Hướng dẫn cho trẻ những điều cần làm nếu không may xảy ra tai nạn.

Cảnh báo tình trạng tai nạn pháo nổ dịp cận tết

Gần đây, các bệnh viện nhi tại TP.HCM cũng liên tiếp tiếp nhận các trường hợp tai nạn pháo nổ. Các tai nạn thường xảy ra trong quá trình chế tạo pháo. Nạn nhân của các vụ tai nạn chủ yếu là trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên đang có tính tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá, chế tạo...

Rất nhiều trường hợp đã bị thương tích vùng mặt, mắt, ngực, tay... rất nhiều trường hợp bị mù mắt, mất ngón tay thậm chí là tử vong do chế tạo pháo.

Các bác sĩ cho biết, hiện nay trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc với các video hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội, internet. Đồng thời, trẻ cũng có thể dễ dàng mua được các nguyên liệu dùng để chế tạo pháo. Vậy nên, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ, tăng cường giáo dục để các em có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành động chế tạo pháo...

Hơn 60 triệu đồng đến với bé trai 4 tuổi bị bỏng nặngHơn 60 triệu đồng đến với bé trai 4 tuổi bị bỏng nặng

Chương trình Vòng tay nhân ái (Báo Sức khỏe và đời sống) đã trao 60.435.000 đồng đến với gia đình bé Nguyễn Văn Gia Phong, 4 tuổi ở Nghệ An bị bỏng nặng.


P.Thương
Ý kiến của bạn