'Nộp tiền học' viết trên tay trẻ mầm non: Hành động sư phạm cần xem xét lại

17-05-2025 09:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Hình ảnh trẻ mầm non với dòng chữ "Nộp tiền học" trên tay gây xôn xao dư luận. Hành động được cho là của giáo viên nhắc nợ học phí này dấy lên tranh cãi về tính nhân văn và nghiệp vụ sư phạm, đặt ra câu hỏi về phương pháp giáo dục phù hợp.

Một biện pháp nhắc nhở gây tranh cãi

Câu chuyện được lan truyền từ một bài đăng trên mạng xã hội, ghi lại lời kể về việc một học sinh mầm non về nhà với dòng chữ "Nộp tiền học" trên tay. Sự việc ngay lập tức thu hút sự chú ý và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.

Người đăng tải bày tỏ quan điểm: "Hành động của một giáo viên mầm non khi viết dòng chữ này để nhắc phụ huynh đóng tiền là điều đáng suy ngẫm và không thể biện minh. Trẻ mầm non còn quá nhỏ để gánh những áp lực tài chính hay bị biến thành công cụ truyền tin cho người lớn. Việc viết lên tay trẻ không chỉ phản cảm mà còn đi ngược lại với tinh thần yêu thương, tôn trọng và bảo vệ sự ngây thơ của các em. Giáo viên - đặc biệt ở bậc mầm non phải là người đủ kiên nhẫn và tinh tế để truyền đạt thông tin một cách khéo léo, nhân văn, thay vì chọn cách thiếu chuyên nghiệp như vậy".

Đa chiều ý kiến từ cộng đồng

Ngay sau khi hình ảnh được lan truyền, nhiều người bày tỏ sự không đồng tình với hành động này. Họ cho rằng, dù mục đích là gì, việc "đánh dấu" trẻ bằng một thông điệp nhắc nợ công khai là một hành vi thiếu tinh tế, thậm chí có thể gây tổn thương đến tâm lý non nớt của trẻ, khiến các em cảm thấy xấu hổ, bị đánh dấu khác biệt so với bạn bè.

'Nộp tiền học' viết trên tay trẻ mầm non: Hành động sư phạm cần xem xét lại- Ảnh 1.

Cô giáo viết lên cánh tay học sinh làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng.

Chị Trịnh Lan Khuê, một phụ huynh có con đang học mầm non chia sẻ: "Trẻ con rất nhạy cảm. Việc bị viết lên người như vậy có thể khiến con cảm thấy mình bị đánh dấu, không thoải mái khi đến trường".

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng có thể hành động này xuất phát từ sự bất lực của giáo viên khi các phương pháp nhắc nhở khác không mang lại hiệu quả. Họ cho rằng cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh cụ thể để có đánh giá khách quan.

Tiếng nói từ những nhà giáo dục tâm huyết

Trước làn sóng dư luận, những người làm trong ngành giáo dục cũng đã lên tiếng, mang đến những góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn.

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống, cô Trần Minh Hằng, một giáo viên mầm non tại Hà Nội, thừa nhận những khó khăn trong việc quản lý sĩ số lớp đông và nhắc nhở học phí đến từng phụ huynh. Cô chia sẻ: "Có lẽ cô giáo đã nghĩ đây là một cách nhanh chóng và trực quan để các em nhớ và báo với phụ huynh. Tuy nhiên, xét về khía cạnh sư phạm, có lẽ nên có những phương pháp tế nhị hơn".

ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương nhấn mạnh: "Đây không phải là câu chuyện "cô sai hay đúng". Rõ ràng, việc đảm bảo học phí được đóng góp đầy đủ là một phần trách nhiệm của phụ huynh đối với nhà trường. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà giáo là giáo dục bằng tình yêu thương và sự tôn trọng. Mọi hành động gây tổn thương đến lòng tự trọng và sự phát triển tâm lý lành mạnh của học sinh đều cần được xem xét lại".

Theo ThS. Nguyễn Hồng Vân, sự việc này là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự phối hợp nhịp nhàng và những phương pháp giao tiếp hiệu quả giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường. Việc trao đổi trực tiếp và tìm ra giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn là những biện pháp có thể gây tổn thương đến học sinh.

Cùng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Mai Anh - Phó viện trưởng Viện Tâm lý học nhân văn, bày tỏ sự trăn trở về môi trường phát triển của trẻ em hiện nay. Bà cho rằng hành vi viết lên tay học sinh là biểu hiện của kỹ năng giao tiếp hạn chế, thiếu sự tinh tế và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh những tổn thương không đáng có cho trẻ.

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Thị Mai Anh cũng lưu ý về những khó khăn mà giáo viên có thể gặp phải trong việc liên lạc với phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống hiện đại bận rộn. Bà cho rằng sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường cần được tăng cường, đồng thời phụ huynh cũng cần chủ động và kịp thời cập nhật thông tin từ phía nhà trường.

Làm sao xoá bỏ "bóng đen" bạo hành trẻ mầm non?Làm sao xoá bỏ 'bóng đen' bạo hành trẻ mầm non?

SKĐS - Những vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ em liên tục bị phanh phui đã gióng lên hồi chuông báo động về một vấn đề nhức nhối, gây tổn thương đến trẻ, làm xói mòn niềm tin của phụ huynh vào hệ thống giáo dục.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn