1. Lost (2004 – 2010)
Đây là series hấp dẫn, có tuổi thọ cao và rất quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam. Lost có chứa nhiều yếu tố khoa học viễn tưởng và siêu nhiên, kể về cuộc sinh tồn của một nhóm hành khách trên chuyến bay từ Sydney tới Los Angeles đã bị rơi trên hòn đảo bí ẩn nằm đâu đó trên Thái Bình Dương. Cốt truyện chính là những gì xảy ra trên đảo hoang nhưng có xen vào các đoạn hồi tưởng để khắc họa rõ hơn tính cách nhân vật.
Trải qua 6 năm phát sóng với hơn 100 tập, Lost không tránh khỏi sự hụt hơi vào những mùa cuối. Số lượng nhân vật quá lớn, mỗi người lại có cuộc đời và bí mật riêng cùng với cách họ giao thoa với nhau khiến cho những mối quan hệ trong Lost ngày càng chồng chéo, chằng chịt. Hơn nữa, tham vọng của các nhà sản xuất biến Lost thành một phim đa thể loại càng khiến cho người xem bối rối: một chút viễn tưởng dành cho dân trí thức, một chút tình cảm dành cho các bà nội trợ, thêm một chút hành động nữa dành cho tầng lớp thanh thiếu niên… tất cả khiến Lost càng trở nên hỗn tạp. Dường như đội ngũ biên kịch cũng phải đau đầu để viết ra những tình tiết mới cho các tập tiếp theo khiến cho khán giả có cảm tưởng đây là một series không thể có điểm dừng, với những kẻ xấu mọc ra liên tục và những câu chuyện cứ kéo dài mãi mãi. Thậm chí cho đến tận khi tập cuối cùng được phát sóng, các khán giả vẫn còn ngẩn ngơ với hàng chục câu hỏi mà chính ekip sản xuất cũng… vô phương giải đáp.
Nhiều khán giả than phiền rằng Lost lẽ ra nên kết thúc ở mùa 5, thậm chí là mùa 3, để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như thế này.
2. Prison Break (2005 – 2009)
Hẳn nhiều cô gái vẫn còn nhớ như in màu mắt xanh thẳm cùng vẻ đẹp trai quyến rũ của tài tử Wentworth Miller trong series Prison Break. Nội dung phim bắt đầu khi Lincoln Burrows bị kết án tử hình oan vì giết em trai của bà Phó Tổng thống và bị giam ở nhà tù Fox River để chờ ngày thi hành án. Người em trai của Lincoln là Michael Scofield biết anh mình bị oan, đã cố tình đi cướp nhà băng để bị bắt vào tù với một kế hoạch bí mật nằm trong những hình xăm dày kín trên người anh, nhằm giải cứu anh trai ra khỏi tù.
Ngay từ khi mới ra mắt mùa đầu tiên, bộ phim đã thu được sự chú ý nhờ những tình tiết hấp dẫn, gay cấn (dù bối cảnh chỉ diễn ra trong bốn bức tường trại giam) cùng dàn diễn viên hợp vai. Tuy nhiên, sau hai mùa, Prison Break bắt đầu giẫm lên vết xe đổ của rất nhiều series trước đó: kịch bản chắp nối, không đủ logic, các tình tiết lê thê kéo dài… Đặc biệt là nhân vật Sara Tancredi – bạn gái của Michael. Cô đã bị giết ngay cuối mùa 1 nhưng lại đường hoàng… xuất hiện tiếp trong mùa 2, rồi lại tiếp tục… bị bắt cóc nên hoàn toàn vắng mặt trong mùa 3 (trên thực tế là do nữ diễn viên Sarah Wayne Callies – người thủ vai Sara - ngoài đời đang mang thai). Từng có cảnh cô bị giết chết và đầu được gửi tới cho Lincoln, tuy nhiên sau đó phim lại đưa ra giả thuyết cái đầu là của người khác để Sara có thể… tiếp tục trở lại trong mùa 4. Chính sự không thống nhất này đã làm đảo lộn trật tự thời gian trong phim, khiến khán giả cảm thấy mình bị “lừa” và trở nên chán nản vì những chi tiết vô lý do biên kịch ngẫu nhiên đưa ra như thế.
3. Dexter (2006 – 2013)
Dexter làm việc trong phòng điều tra vụ án ở Miami. Hắn có khả năng xuất sắc trong việc phân tích kiểm nghiệm máu – từ đó có thể dựng lại hiện trường vụ án, từ đó cảnh sát có thể truy lùng được tung tích hung thủ. Ban ngày là người làm công lý. Ban đêm, Dexter lại đi giết những tên tội phạm mà cảnh sát không thể chạm tay tới được. Tuy nhiên, Dexter không hề tốt đẹp, muốn thay trời hành đạo mà chỉ là một tên sát nhân biến thái tâm thần trút niềm đam mê giết chóc của hắn lên những tên tội phạm khác.
Với motif nhân vật chính độc đáo như vậy, khán giả vô cùng chờ mong Dexter sẽ thành công. Sự thực là series này đã trở thành kinh điển với những màn đấu trí hấp dẫn giữa Dexter và những nạn nhân của hắn trước khi ra tay hạ sát họ. Điều đáng tiếc là nó đã không duy trì được phong độ xuyên suốt 8 mùa. Sự cạn kiệt ý tưởng của nhóm biên kịch đã khiến cho Dexter mất dần sức hút. Ở những mùa đầu, những kẻ đối đầu với Dexter thường là những tên ngang cơ với hắn. Nhưng ở những mùa cuối, các nhân vật đối lập với Dexter ngày càng đơn giản, nhàm chán; thay vào đó, phim quay sang khắc họa tâm lý và tình yêu của Dexter. Ngoài ra, tuyến nhân vật phụ liên tục được thay mới nhưng không để lại ấn tượng gì sâu sắc cũng khiến khán giả “mệt lử” khi phải chạy theo 8 mùa Dexter.
4. Smallville (2001 – 2011)
Đây là một trong những series dài hơi nhất của truyền hình Mỹ - lên tới 10 năm – chứng tỏ sức hút mãnh liệt của thế giới siêu anh hùng. Smallville là câu chuyện thời niên thiếu của Clark Kent, chàng trai có sức mạnh siêu nhiên đến từ ngoài trái đất. Có lẽ nhiều người sẽ thấy quen thuộc hơn với biệt danh của anh sau này: Superman.
Thế nhưng, nhiều khán giả đưa ra nhận định: lẽ ra series này nên dừng lại ở mùa 5. Trong năm mùa đầu, người hâm mộ đã được thấy đủ bức tranh cuộc sống của vị anh hùng khi còn là cậu bé sống ở nông trại, cùng với mối tình đầu Lana Lang và kẻ thù truyền kiếp Lex Luthor. Những bộ phim mô tả hình tượng Superman sau này đều phải “chịu ơn” Smallville vì nhờ có nó mở đường, họ không cần tiêu tốn quá nhiều thời gian để giải thích cho khán giả về tiền thân của Superman nữa.
Sau 5 mùa đầu thành công vang dội, Smallville dần mất đi sức hút và thực sự trở thành thảm họa vào mùa 8. Việc kéo dài lê thê với hàng trăm nhân vật đến rồi lại đi, với những chi tiết phức tạp cải biên từ bản truyện tranh gốc khiến người xem gặp rắc rối khi muốn hiểu tường tận mỗi tập phim. Rốt cuộc, chỉ những khán giả thực sự trung thành và yêu quý bộ phim mới có thể kiên trì dõi theo nó tới tận những tập cuối cùng.
5. True Blood (2008- 2014)
Được khai sinh sau cơn bão Twilight, cũng mang chuyện tình na ná khi hai anh ma cà rồng lại cùng mê mẩn một nàng người phàm nhưng True Blood lại là người thừa kế xuất sắc hơn tiền bối Twilight về mọi mặt. Không chỉ là câu chuyện tình lãng mạn, True Blood còn là câu chuyện của quyền con người, quyền bình đẳng được giấu sau việc ma cà rồng đấu tranh để được thừa nhận như con người và bước ra ánh sáng mặt trời. Khi thay đổi mạch truyện ở mùa hai, tăng tính "nóng bỏng" và thêm nhiều chi tiết đắt giá thì True Blood càng lúc càng nhận được nhiều đánh giá tốt từ giới phê bình và fan hâm mộ. Tuy nhiên cùng chung kết cục khi cố tình dàm dài, làm dai, càng về sau phim càng rối rắm và dở. Khán giả mệt mỏi với những tình tiết câu kéo và đan cài từ nhà sản xuất, những mối quan hệ tình cảm chồng chéo phức tạp của nhân vật phụ lẫn nhân vật chính.
Vào mùa 6, khán giả tưởng có tia hi vọng khi hành trình đưa giống loài ma cà rồng ra ánh sáng mặt trời của Bill khá thú vị, những nhân vật mới được thêm vào dự đoán một cái kết viên mãn về tình duyên cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, Season 7 là một thảm họa thật sự. Những mối quan hệ tưởng như đã tạo dựng ở season 6 đổ vỡ hết, nhân vật được yêu quý trong phim là Tara chết và đạo diễn dành cả vài tập phim để theo hồn ma nhân vật này để tìm hiểu một bí mật (lãng xẹt), thất vọng nhất là Bill Compton chết và Sookie thì kết hôn với một anh chàng người thường nào đó. Những khán giả kiên nhẫn nhất của True Blood cảm thấy mình bị phản bội đau đớn còn phim thì bị ném đá tơi bời. Nếu dừng ở season 6 luôn thì đâu tới nỗi.