Trong cuộc sống hiện đại, truyền hình là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Sự đa dạng hóa các chương trình, nhất là các chương trình giải trí thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các đài truyền hình trong việc đa dạng hóa thực đơn giải trí cho khán giả. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh để giành thị phần khán giả, nhiều chương trình truyền hình gây “sốc”, khai thác những vấn đề nhạy cảm, đôi khi phản cảm đã ra đời.
“Đời tư” - Miếng mồi ngon của nhà sản xuất
Chưa bao giờ chương trình truyền hình thực tế, nhất là các chương trình tìm kiếm tài năng lại “nở rộ” như hiện nay. Đếm sơ sơ cũng có đến cả chục chương trình “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực ca nhạc có Việt Nam Idol, Giọng hát Việt - The Voice of Việt Nam, Giọng hát Việt nhí - The Voice kid, Nhân tố bí ẩn, Ngôi sao Việt, Học viện ngôi sao, Cặp đôi hoàn hảo, Chinh phục đỉnh cao, Hợp ca tranh tài; lĩnh vực thời trang có Việt Nam next top model, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam; lĩnh vực nhảy múa có Thử thách cùng bước nhảy, Bước nhảy hoàn vũ, Vũ điệu đam mê... Đó là còn chưa kể đến các chương trình khác như Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Người giấu mặt... Phần lớn những chương trình truyền hình thực tế đều được mua bản quyền từ nước ngoài và do các công ty tư nhân sản xuất. Thế mới thấy cuộc cạnh tranh để có được những chương trình hay, đủ sức hút khán giả, qua đó tăng doanh thu từ quảng cáo xen giữa chương trình khốc liệt như thế nào.
Một thử thách gây tranh cãi của Cuộc đua kỳ thú.
Một xu hướng mới đang được các nhà sản xuất triệt để khai thác là đời tư của các thí sinh. Chiếc mặt nạ của ca sĩ Anh Thúy khi tham gia dự thi Nhân tố bí ẩn với tên gọi Huyền Minh được nhà sản xuất “thêu dệt” bằng câu chuyện rất “mùi” và gây xúc động: Một cô gái 24 tuổi làm thuê chẳng may bị tai nạn lao động, để lại vết sẹo trên mặt nên phải đeo mặt nạ rốt cuộc lại là cô ca sĩ Anh Thúy của nhóm nhạc Mây trắng ngày nào. Lê Tích Kỳ, chàng trai 17 tuổi từng phải thốt lên “tôi không muốn bị thương hại” sau khi phần thi của anh trong tập 1 Nhân tố bí ẩn được phát sóng. Một điều nghịch lý là dù được Ban Giám khảo đánh giá là có giọng hát lạ, cảm xúc và có chiều sâu nhưng người xem lại nhớ đến video nói về cuộc sống cơ cực khiến Kỳ phải bỏ học từ nhỏ, trông xe đạp ở một trường cấp ba kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn đích thân tìm đến nhà, mời bà ngoại của Kỳ lên sâu khấu khi phần thi của anh kết thúc. Trước khi thí sinh Trần Quang Đại trình bày ca khúc Về đâu mái tóc người thương, nhà sản xuất của Nhân tố bí ẩn cũng “đầu tư” một video nói về sự bươn trải kiếm sống trên thành phố của anh. Dù vất vả, khó khăn nhưng anh vẫn sống với niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng.
Việt Nam Idol 2014 đã đi đến những chặng cuối cùng. Năm nay, có lẽ không có thí sinh đặc biệt như cô ca sĩ chuyển giới Hương Giang Idol nên chương trình cũng có phần nhạt nhòa hơn những mùa trước. Công bằng mà nói, nếu không có “yếu tố đời tư” của Hương Giang thì Việt Nam Idol năm ngoái sẽ “chìm nghỉm” trong cuộc cạnh tranh với Giọng hát Việt mùa đầu tiên lên sóng. Top 3 của Việt Nam Idol năm nay đã lộ diện và nhà sản xuất cũng đã “tranh thủ” cung cấp đời tư của họ trong đêm liveshow diễn ra vào tối chủ nhật 13/4 vừa qua. Đông Hùng có hoàn cảnh gia đình đang gặp phải khó khăn và anh mong muốn giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi để giúp đỡ gia đình. Minh Thùy - ứng viên “nặng ký” nhất cho ngôi vị quán quân năm nay “lộ” thông tin đã có chồng. Những vấn đề riêng tư của các thí sinh về gia đình, cuộc sống, tình cảm, giới tính của các thí sinh tham gia Học viện ngôi sao hay Người giấu mặt cũng luôn được khai thác triệt để.
Sốc đến phản cảm
Nếu có cuộc bình chọn chương trình truyền hình phản cảm nhất thì tôi chắc chắn giải thưởng đó phải thuộc về Đố ai hát được - Sing If you can từng được phát sóng trên VTV3 vào tối thứ bảy hàng tuần. Rất may là tập cuối cùng của chương trình đã kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Là kênh truyền hình chuyên về thông tin thể thao, giải trí và thông tin kinh tế lớn nhất cả nước, lượng khán giả đông, tôi không hiểu tại sao một chương trình phản cảm như Đố ai hát được lại được chọn phát sóng vào thời điểm giờ vàng như vậy. Ngay khi phát sóng tập đầu tiên, trên khắp các diễn đàn đã xôn xao bàn tán về format của chương trình, trong đó phần lớn đều cho rằng đó là chương trình “không thể chấp nhận”.
Tập 8 của Đố ai hát được chứng kiến sự đối đầu giữa đội thi của ca sĩ Pha Lê, Mi-a và Hữu Kiên - Quán quân Việt Nam got talent và Ngọc Long. Nếu Pha Lê liên tục la hét trong thử thách vừa hát vừa bị những anh chàng vũ công đẩy kéo về nhiều phía thì Mi-a khóc thét lên với thử thách khi bị thả vào bể đầy rắn, ếch, nhái. Mi-a đã sợ hãi đến lạc hẳn cả giọng sau phần thi kết thúc. Nhiều phần thi của chương trình gây sợ hãi cho người xem như phần phi dao, vừa hát vừa bị chó tấn công, chui vào phòng có rắn, chuột... Phần lớn các thí sinh nữ tham gia chương trình đều kết thúc phần thi trong nước mắt và khản giọng vì la hét. Bảo Trâm Idol - người từng tham gia chương trình này chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình, tôi đã chuẩn bị tinh thần bởi có rất nhiều thử thách bất ngờ không thể đoán được. Tuy mọi thứ đã được chuẩn bị trước nhưng khi tham gia chương trình lại khác”. Bảo Trâm cũng nói rằng, sự sợ hãi cũng có thể khiến cô ngất đi. Nhiều người nhận định, Đố ai hát được là chương trình phản cảm, không mang tính giáo dục, không phù hợp với văn hóa Việt và không nên được phát sóng trên truyền hình.
Trước đó, chương trình Cuộc đua kỳ thú - Amazing race ở chặng đua bán kết cũng trở thành đề tài tranh luận của báo giới khi có cảnh các thí sinh xẻ thịt lợn ngay trước máy quay. Theo thử thách của chương trình, những người chơi phải tự tay cắt thịt từ chú lợn đã chết nhưng còn nguyên con, nguyên da, lấy đúng 500g thịt mà không được dùng cân hay bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào. Nỗi sợ hãi khi lần đầu tiên “đụng dao” đã khiến thí sinh Linh Chi, Thu Hiền, Diệp Lâm Anh bật khóc. Trên các mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ sự không đồng tình với tình huống mà chương trình đặt ra, họ cho rằng hành động này không mang tính giáo dục, nhất là với trẻ em. Cuộc thi Người giấu mặt mùa đầu tiên cũng gây xôn xao với thử thách giảm cân. Để hoàn thành thử thách giảm 18kg trong vòng 1 tuần, các thí sinh của chương trình đã không ngần ngại cởi bỏ quần áo trong khi chương trình được ghi hình 24/24 giờ.
Các chương trình truyền hình trước hết phải mang tính giáo dục, giải trí và thẩm mỹ. Đó là công cụ để truyền tải những thông điệp có giá trị về cuộc sống. Mong rằng truyền hình phản cảm chỉ là những hạt sạn nhỏ trong rất nhiều “món ngon” giải trí mà truyền hình mang lại.