Những lưu ý khi dùng thuốc trị loãng xương

15-09-2015 10:25 | Dược
google news

Quá trình loãng xương có diễn biến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương, mất khá nhiều (trên 50%), thường khoảng vào 50 - 70 tuổi thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng.

Quá trình loãng xương có diễn biến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương, mất khá nhiều (trên 50%), thường khoảng vào 50 - 70 tuổi thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng.

Loãng xương ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Triệu chứng đau, còng lưng làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và cảm giác mình già hơn, yếu hơn, thậm chí có khi gãy cổ xương đùi thực sự, biến người bệnh trở thành tàn phế. Vì vậy, trong sinh hoạt, làm việc, cần cẩn thận khi đi lại, nhất là những nơi trơn trợt, không để bị té ngã. Khi làm việc, cần tránh những động tác gây chèn ép cột sống như khuân vác nặng, gập mạnh cột sống về phía trước.

 

Những lưu ý khi dùng thuốc trị loãng xương 1Để phòng ngừa loãng xương nên ăn những thực phẩm giàu canxi.

 

Lưu ý trong điều trị loãng xương

Dùng thuốc nào điều trị?

Khi điều trị loãng xương cần lưu ý, loãng xương phải được điều trị trong thời gian dài nhiều năm và các loại thuốc này hầu hết là đắt tiền như rocaltrol, miacalcic... thường phải kèm theo cung cấp canxi và nội tiết tố nữ khi cần thiết. Tùy theo dạng loãng xương, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách điều trị riêng theo từng loại. Bạn không nên tự ý dùng các loại thuốc này.

Các thuốc điều trị loãng xương có tác dụng rất chậm và không phải là thuốc giảm đau nên tình trạng đau có thể vẫn tồn tại và lúc này bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc giảm đau. Các thuốc này đều có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày ít nhiều. Tốt nhất, bạn phải dùng theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Tránh dùng thuốc có thể gây loãng xương

Trong việc phòng ngừa bệnh, cần lưu ý tránh dùng kéo dài những loại thuốc có gây loãng xương, điển hình là thuốc có chứa corticoid. Đặc biệt dưới dạng thuốc uống hay thuốc tiêm, có loại tác dụng kéo dài 3 - 6 tháng. Thuốc có chứa corticoid thường bị lạm dụng để chữa các chứng đau nhức khớp vì giá rẻ, dễ mua mà tác dụng giảm sưng, giảm đau nhanh. Một số người lớn tuổi bị đau nhức khớp đã nghe lời mách bảo của người quen tự mua thuốc uống, vô tình làm trầm trọng thêm bệnh loãng xương.

Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, corticoid còn có những tác dụng giữ muối và nước gây phù, tăng huyết áp, suy tim sung huyết, teo cơ, yếu cơ và loãng xương, loét dạ dày, nặng hơn là xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, suy tuyến thượng thận, làm phát triển nặng thêm bệnh đái tháo đường, lao phổi, cườm mắt, tăng nhãn áp, giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm lao và nhiễm nấm, teo da, teo cơ áp-xe tại chỗ tiêm.

Thực ra, thuốc corticoid không điều trị hết nguyên nhân gây bệnh mà chỉ làm giảm triệu chứng mà thôi. Nhưng với nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nêu trên, chúng ta phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc dạng corticoid. Hơn nữa, người bệnh cần ý thức rằng, không phải chỉ có loại thuốc này mới chữa được bệnh mà còn nhiều thuốc khác ít tác hại nhưng vẫn có tác dụng tốt. Bệnh nhân nên dùng thuốc dưới sự chỉ định, theo dõi, kiểm soát của bác sĩ, không nên tự dùng thuốc dù đây là thuốc rất dễ mua.

Phòng ngừa loãng xương

Vấn đề phòng ngừa loãng xương thật sự cần thiết trên những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương như người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh...

Ăn uống: Trong ăn uống, nên ăn thêm một số chất chứa nhiều canxi như: rau xanh, tôm, cua, thịt, trứng. Có thể dùng thêm sữa. Nên dùng loại sữa chứa nhiều canxi, ít ngọt, không béo. Nhưng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều, dễ dẫn đến dư thừa chất dinh dưỡng, thậm chí là béo phì.

Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày: Thực tế cho thấy, những người ít vận động, không tập thể dục thể thao, nhất là những trường hợp bị liệt hay phải nằm điều trị lâu tại giường thì quá trình loãng xương xảy ra nhanh hơn bình thường. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hoạt động thể dục thể thao, vận động cơ bắp làm hạn chế quá trình mất xương và giúp tăng quá trình tạo xương.

Loãng xương là bệnh diễn ra âm thầm trong nhiều năm, lúc đầu còn nhẹ bệnh không có bất kỳ biểu hiện gì nên người bệnh không biết hoặc chủ quan không lo điều trị sớm. Đối với bệnh loãng xương việc ngừa bệnh và phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, nhất là những người bước vào tuổi trung niên, phụ nữ sau tuổi mãn kinh, những trường hợp đang dùng thuốc có thể gây loãng xương.

ThS.BS. PHAN HỮU PHƯỚC

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn