Theo Sở Văn hóa & Thể thao Khánh Hòa, các chương trình đặc sắc dịp Tết được tổ chức tại hầu hết các địa phương trong tỉnh này. Đây là 'món ăn' tinh thần phục vụ người dân và du khách.
Điển hình như, tại Danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang) từ 28/1 đến 3/2 diễn ra triển lãm nghệ thuật thư pháp và tặng chữ đầu năm. Những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân sẽ dành tặng cho người dân, du khách các dòng chữ ấn tượng nhân dịp Tết. Đồng thời, hàng chục nhạc sĩ sẽ biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc để mọi người cùng thưởng thức.
Tại Danh thắng Hòn Chồng, du khách còn được trực tiếp chiêm ngưỡng bãi đá cổ hình thành hoàn toàn tự nhiên từ hàng ngàn năm trước. Tại khoảng trống giữa những tảng đá cổ, ban đêm được lắp điện chiếu sáng lung linh. Nhiều phiến đá cổ nằm ngay ở chân sóng biển nhưng rất ít khi có rêu bám.
Liên tục từ 28/1 đến 3/2, tại Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) luân phiên diễn ra trình diễn làm gốm, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm và biểu diễn ca múa nhạc cổ truyền dân tộc Chăm.
Các buổi tối từ 29/1 đến 7/2 tại công viên bờ biển đường Trần Phú (Nha Trang) diễn ra hội bài chòi. Người dân, du khách sẽ được đắm mình trong những lời ca, làn điệu bài chòi đặc sắc, hiếm nơi nào có được như Khánh Hòa.
Tại Bảo tàng Khánh Hòa, sáng mùng 5 Tết diễn ra chương trình giao lưu đồ cổ, đồ xưa. Các đồ vật trưng bày tại chương trình rất phong phú như bình hoa, bát, đĩa, ấm, chén, đèn dầu cổ, tiền xu, tiền giấy cổ, đồng hồ, loa đài, ngọc bích cổ, bình hoa…
Các đồ cổ, đồ xưa chủ yếu được làm bằng đồng, nhôm, sứ, gốm, gỗ, nhựa…Bên cạnh các đồ cổ có xuất xứ từ các vùng miền của Việt Nam, có một số vật dụng quý hiếm từ nước ngoài. Người dân, du khách thoải mái trao đổi, mua bán.
Đặc biệt, Quảng trường 2/4 (Nha Trang) là nơi diễn ra nhiều chương trình dịp Tết nhất. Cụ thể, Chương trình ca múa nhạc-thời trang Mừng Đảng – Mừng Xuân - Mừng đất nước đổi mới (diễn ra đêm Giao thừa); Chương trình biểu diễn nghệ thuật Lân - Sư - Rồng (diễn ra tối mùng 1 Tết); Chương trình Giai điệu tình yêu (tối mùng 2 Tết); Chương trình thi đấu cờ người (ngày mùng 3 Tết); Tái hiện vở diễn thầy Khóa làng tôi (tối mùng 4 Tết); Chương trình xuân quê hương (tối mùng 5 Tết)…
Dịp Tết Ất Tỵ (26/2 đến 3/2), tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ tổ chức chiếu phim lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc, bổ ích sẽ được trình chiếu để người dân thưởng thức. Đề tài phim được chiếu rất đa dạng như phim đề tài về chiến tranh cách mạng, phim tài liệu về thành tựu của đất nước…