Những câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư thận

03-06-2024 10:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Các triệu chứng của ung thư thận thường rất mờ nhạt và không điển hình. Do đó phần lớn bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn. Những thông tin dưới đây sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Ai dễ mắc ung thư thận?

Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể có chức năng lọc máu và thải nước, muối cùng các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính.

Nguyên nhân gây ung thư thận chưa được khẳng định, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể dẫn tới ung thư thận như:

Hút thuốc lá: Đây là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây nên ung thư thận. Trung bình, có đến khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới hút nhiều thuốc lá mắc phải căn bệnh quái ác này.

Tiếp xúc hóa chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm việc có tiếp xúc với những hóa chất có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, điển hình như công nhân nghề in, hóa chất, công nhân nhuộm hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu.

Yếu tố di truyền: Bệnh có khả năng khởi phát ở nhiều người trong cùng một gia đình. Những đối tượng bị khuyết một đoạn ở NST 3 hoặc chuyển vị của các NST 3 và NST 8 cũng sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thận khá cao.

2. Đau vùng thắt lưng có phải dấu hiệu ung thư thận không?

Theo Bệnh viện K Trung ương, các triệu chứng của ung thư thận thường rất mờ nhạt và không điển hình. Đến khi chúng xuất hiện thường xuyên, rõ rệt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các dấu hiệu ung thư thận bao gồm: Đau ở vùng thắt lưng, tiểu ra máu, mệt mỏi, sút cân, các khối u thận có thể dẫn tới thiếu máu, mất cân bằng điện giải hoặc canxi hoặc các rối loạn liên quan đến máu khác.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư thận- Ảnh 1.

Đau ở vùng thắt lưng có thể là một trong số các dấu hiệu ung thư thận.

3. Ung thư thận có chồi bướu là gì?

Theo các chuyên gia, diễn tiến tự nhiên của bệnh ung thư thận có thể phát triển tạo ra các chồi bướu trong lòng tĩnh mạch. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng. Nếu người bệnh được phẫu thuật cắt thận và lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch thì tỷ lệ sống sau 5 năm trung bình là 64% (46-82%) theo báo cáo từ các y văn.

4. Ung thư thận có phòng ngừa được không?

Phòng bệnh ung thư thận chủ yếu là kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc hóa chất.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như béo phì, đái tháo đường.
  • Điều trị đúng và kịp thời các bệnh lý hệ tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, suy thận
  • Khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm thương tổn để điều trị kịp thời.

5. Cần làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán ung thư thận?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư thận, người bệnh có thể cần thực hiện một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu và nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, sinh thiết… để được chẩn đoán chính xác.

6. Khám ung thư thận ở đâu?

Người bệnh có thể đến các bệnh viện đa khoa lớn có chuyên khoa Thận - Tiết niệu, Khoa Thận Lọc máu và Phẫu thuật tiết niệu, Khoa Ung bướu, Trung tâm điều trị ung thư…

Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư thận là một căn bệnh nguy hiểm, cần được điều trị càng sớm càng tốt. Vì vậy, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

7. Ung thư thận có phải phẫu thuật không?

Đối với ung thư thận thì phẫu thuật là giải pháp điều trị tối ưu, đóng vai trò chủ đạo. Tùy theo giai đoạn ung thư, kích thước khối u mà bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt thận bán phần hoặc toàn bộ. Phẫu thuật cắt thận bán phần áp dụng với các khối u nhỏ, nằm vùng ngoại vi thận, phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ khối u và một phần mô lành, một phần thận được giữ lại để bảo tồn chức năng.

Tuy nhiên, đối với những khối u thận kích thước lớn thì buộc phải cắt thận triệt căn - toàn bộ quả thận nơi có khối u để điều trị triệt căn ung thư. Đây là phẫu thuật có độ khó kỹ thuật cao, chuyên sâu đòi hỏi phẫu thuật viên phải đảm bảo diện cắt âm tính về mặt ung thư, đảm bảo kiểm soát cầm máu tốt trong quá trình phẫu thuật, tránh các tai biến nguy hiểm có thể xảy ra trong, sau phẫu thuật.

8. Người bệnh có phải theo dõi sau điều trị không?

Người bệnh ung thư thận sau điều trị sẽ được theo dõi bằng khám lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng. Thông thường khám lại sau 3 tháng trong năm đầu tiên. Khi khám lại người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng. Cận lâm sàng xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, siêu âm hệ tiết niệu, xét nghiệm sinh hóa máu…

Những câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư thận- Ảnh 3.

Phẫu thuật điều trị ung thư thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện K.

9. Đông y có chữa được ung thư thận không?

Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định Đông y có thể chữa được ung thư thận. Tuy nhiên, một số bài thuốc Đông y có thể giúp hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị. Nhưng người bệnh cần lưu ý, khi sử dụng thuốc Đông y cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn.

10. Chi phí điều trị ung thư thận

Chi phí điều trị ung thư thận có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nếu người bệnh được khám phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, chi phí điều trị thường thấp hơn. Nếu ở giai đoạn muộn, chi phí điều trị thường cao hơn vì ung thư có thể đã di căn sang các cơ quan khác và cần điều trị phức tạp hơn.

Người bệnh nên khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa có uy tín có quy định rõ ràng về giá dịch vụ y tế. Đối với trường hợp có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả theo quy định.

Xem thêm:

Chế độ ăn uống tốt cho người bệnh ung thư thậnChế độ ăn uống tốt cho người bệnh ung thư thận

SKĐS - Một số phương pháp điều trị ung thư thận thường ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và tiêu hóa của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng để giảm mệt mỏi và duy trì sức khỏe.


Thu Phương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn