Nhiều thầy cô từ biệt quê hương để 'gieo chữ' cho học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo

15-11-2024 22:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Có rất nhiều thầy giáo, cô giáo từ biệt quê hương đi "gieo chữ" cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những gian khổ hy sinh của các thầy cô đã mang đến biết bao thành quả ngọt ngào.

Tối 15/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 - tuyên dương 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác trên mọi miền Tổ quốc.

Trong các thầy cô được vinh danh lần này, người có số năm công tác nhiều nhất là thầy giáo Đặng Văn Bửu (SN 1972), công tác tại Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre với thời gian công tác 31 năm; cô Hồ Ngọc Huyền (SN 1975) công tác tại Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, quận Bình Thạnh, TPHCM với gần 30 năm công tác.

Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô giáo Dương Diệu Phương (SN 1997) công tác tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với thời gian công tác 4 năm 10 tháng; thầy Hoàng Văn Quỳnh (SN 1996) công tác tại Trường THCS & THPT Hà Lang, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang với thời gian công tác 5 năm 9 tháng.

Có 25 giáo viên là người dân tộc thiểu số, bao gồm 13 dân tộc. Các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; biểu trưng của Chương trình và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác.

Nhiều thầy cô từ biệt quê hương để 'gieo chữ' cho học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo- Ảnh 1.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao Bằng khen và kỷ niệm chương của chương trình dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, giáo dục luôn là nền tảng cốt lõi để xây dựng và phát triển đất nước. Từ những ngôi trường khang trang nơi đô thị đến những lớp học đơn sơ giữa rừng núi, hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có hình bóng của những người thầy, người cô tận tụy ngày đêm vì học trò. Cứ mỗi dịp đến ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, ai trong mỗi chúng ta đều nghĩ về người thầy, người cô bằng tất cả tình yêu thương đã dìu dắt, dạy dỗ mình với lòng biết ơn sâu sắc. Đó chính là truyền thống quý báu “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc.

“Người thầy đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời kỳ, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai dân tộc. Các thầy, các cô, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn bền bỉ và kiên trì nâng niu từng con chữ, văn hóa, tri thức truyền thụ tới học sinh của mình bằng tất cả tình yêu thương. Sự cống hiến của các thầy cô không chỉ góp phần phát triển năng lực cá nhân cho từng học sinh mà còn giúp tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước”, ông Lâm nhấn mạnh.

60 thầy cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm nay có rất nhiều thầy giáo, cô giáo từ biệt quê hương để đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, "gieo chữ" cho đồng bào và con em đồng bào các dân tộc.

“Sự gian khổ hy sinh của các thầy cô đã mang đến biết bao thành quả ngọt ngào. Những vất vả, mệt mỏi, những giọt mồ hôi hay nước mắt đắng cay được đáp đền bằng sự kính trọng, yêu thương của các thế hệ học trò và các bậc phụ huynh học sinh. Tình yêu thương đã chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em. Và lớn hơn là để xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam đủ tri thức, bản lĩnh, sáng tạo làm chủ đất nước, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc...”, anh Lâm nói.

Nhiều thầy cô từ biệt quê hương để 'gieo chữ' cho học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo- Ảnh 2.
Nhiều thầy cô từ biệt quê hương để 'gieo chữ' cho học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo- Ảnh 3.
Nhiều thầy cô từ biệt quê hương để 'gieo chữ' cho học sinh vùng xa, biên giới, hải đảo- Ảnh 4.

Với hành trình 10 năm dạy - học hạnh phúc, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 576 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên các lĩnh vực, địa bàn của mọi miền Tổ quốc.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm hi vọng, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Từ đó góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Năm 2024 ghi dấu 10 năm triển khai chương trình với sự đồng của nhiều đại sứ là các nghệ sĩ, chuyên gia giáo dục, giáo viên uy tín, học sinh tiêu biểu. Các gương mặt KOLs, TikToker tham gia chương trình như: Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Lương Thùy Linh, thầy giáo Trần Thành Nam, ca sĩ Dương Hoàng Yến... Các đại sứ đồng hành cùng chương trình tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa để tôn vinh thầy cô và lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện đẹp về thầy cô đến với toàn xã hội.

Mời bạn đọc xem thêm bài viết được quan tâm:

Nữ giáo viên ở Sốp Cộp và những ấp ủ Nữ giáo viên ở Sốp Cộp và những ấp ủ 'gieo' con chữ nơi vùng cao

SKĐS - Cô giáo Quàng Thị Xuân - dân tộc Thái, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn, xã Mường Lạn, Sốp Cộp, Sơn La là một trong 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tuyên dương và nhà giáo trẻ tiêu biểu lần thứ IV.


M.Đức
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn