Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn nằm tại một vùng sâu, vùng xa của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hiện tại trường có 54 lớp phân bố tại 8 điểm trường cách xa nhau về khoảng cách địa lý; học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 98,1%.
Đối với nhiều em học sinh nơi đây, việc đến trường, được học con chữ, được biết thêm những điều mới mẻ về thế giới bên ngoài không chỉ là một ước mơ mà còn là hành trình đầy gian nan. Thế nhưng, chính những điều kiện thiếu thốn ấy lại là động lực, là lý do thôi thúc cô Quàng Thị Xuân và các đồng nghiệp luôn cố gắng, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học để các em học sinh được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhất có thể.
Tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ IV chiều 14/11, cô Xuân cho biết, để các em học sinh vùng cao hứng thú khi đến lớp, hiểu được tầm quan trọng của việc học, cô và đồng nghiệp phải cải tiến phương pháp giảng dạy để mỗi tiết học trở nên gần gũi, sinh động hơn. Các cô đã tăng cường các hoạt động thực hành, trò chơi và sử dụng các công cụ dạy học hiện đại để các em thấy rằng học tập cũng là một niềm vui, không còn là một áp lực.
"Học sinh ở vùng cao cần được học không chỉ kiến thức sách vở mà còn cần được trang bị các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Chúng tôi xây dựng những giờ học kỹ năng sống để các em biết cách xử lý các tình huống trong cuộc sống, đồng thời tạo cơ hội cho các em rèn luyện tính tự lập, sự tự tin trong giao tiếp" – cô Xuân nói.
Theo cô Xuân, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là yếu tố then chốt để giáo dục học sinh. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với phụ huynh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó tạo nên một môi trường học tập thống nhất giữa gia đình và nhà trường. Các em sẽ nhận được sự hỗ trợ, động viên cần thiết từ cả hai phía, giúp việc học của các em trở nên thuận lợi hơn.
Tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với sách vở, kiến thức ngoài sách giáo khoa cũng là một điều mà nữ giáo viên vùng cao ấp ủ từ lâu. "Tôi mong muốn xây dựng một thư viện nhỏ hoặc các góc đọc sách thân thiện ngay tại trường. Các em sẽ được tự do chọn những cuốn sách mình yêu thích, khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích và hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Đồng thời từng bước ứng dụng công nghệ vào các tiết học để giúp các em học sinh làm quen với các thiết bị hiện đại, mở rộng tầm nhìn, kết nối với thế giới" – cô Xuân tâm sự.
Là một nhà giáo đã 31 năm đứng trên bục giảng ở một xã đảo đặc biệt khó khăn, thầy Đặng Văn Bửu - Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre luôn chăm chỉ, hay tìm tòi, học hỏi kiến thức ở sách vở, internet, đồng nghiệp. Đặc biệt, thầy luôn chú ý phát triển tư duy, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức của học sinh trong các bài tập môn Lịch sử. Ngoài ra, thầy Bửu luôn cập nhật các kiến thức liên môn để truyền đạt và vun đắp thêm niềm đam mê môn Lịch sử cho các em.
"Tôi luôn tự nhủ mình đổi mới giáo dục phải từng bước vững chắc, không được chủ quan nóng vội, nếu đốt cháy giai đoạn sẽ trả cái giá rất đắt, đôi khi là sự thất bại của cả một thế hệ học sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin phải phù hợp với nội dung và phương pháp của từng hoạt động, không chạy theo hình thức, trình chiếu tràn lan nhưng kém hiệu quả. Theo tôi, việc kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn nhưng lại tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của cho toàn xã hội" – thầy Bửu chia sẻ.
Các đại biểu tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ IV.
Lắng nghe những câu chuyện nghề, chuyện đời của các thầy cô, ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: "Các thầy cô là những tấm gương sáng cho lòng yêu nghề và ý chí kiên cường. Nhiều thầy cô không ngại gian khó, vượt qua những trở ngại về điều kiện sống, mang tri thức và niềm hy vọng đến cho học sinh ở những nơi còn thiếu thốn. Họ là những "người truyền lửa" thật sự, đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quý báu cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Những tấm gương của thầy cô được vinh danh là hình ảnh mẫu mực, truyền cảm hứng để các thế hệ nối tiếp không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách, nối tiếp truyền thống "người đưa đò" của dân tộc.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó. Thứ trưởng cũng mong muốn chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, để sẽ có hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo trẻ tiêu biểu được chia sẻ và tuyên dương.
Dịp này, Bộ GDĐT cũng trao Bằng khen cho 60 thầy cô giáo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.
Sau 9 năm triển khai chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", đã có 516 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương. Năm 2024 chương trình tuyên dương 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, huyện đảo, xã đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các thầy giáo, cô giáo giáo dục đặc biệt, giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi trên địa bàn đóng quân…
Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương sau 3 lần tổ chức đã có 286 nhà giáo được trao tặng. Năm nay có 99 nhà giáo trẻ tại các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc được Hội đồng xét chọn để vinh danh.
Lễ tuyên dương các giáo viên tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024, sẽ diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 P. Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vào tối 15/11.
Trao sổ tiết kiệm cho 60 giáo viên tiêu biểu
Tối 14/11, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp Tập đoàn Thiên Long trao 60 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng, tặng các thầy cô giáo tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024. Đây đều là những thầy cô giáo có thành tích nổi bật đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (Chiến sĩ quân hàm xanh) tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi ở biên giới, địa bàn đóng quân; giáo viên các trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) do Bộ Công an quản lý có thành tích được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Trong đó, giáo viên có số năm công tác nhiều nhất là thầy giáo Đặng Văn Bửu (SN 1972), công tác tại Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre với thời gian công tác 31 năm và cô Hồ Ngọc Huyền (SN 1975) công tác tại Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, quận Bình Thạnh, TPHCM với gần 30 năm công tác.
Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô giáo Dương Diệu Phương (SN 1997) công tác tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với thời gian công tác 4 năm 10 tháng và thầy Hoàng Văn Quỳnh (SN 1996) công tác tại Trường THCS & THPT Hà Lang, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang với thời gian công tác 5 năm 9 tháng.
Ngoài ra, trong 60 đại biểu của chương trình, có 25 giáo viên là người dân tộc thiểu số.